New York trải qua “Ngày tận thế” trong bão Sandy

Báo chí Mỹ đã dùng từ "Ngày tận thế" để mô tả về thiệt hại của New York trong siêu bão Sandy, đã làm 30 người ở thành phố này thiệt mạng.
Báo chí Mỹ đã phải dùng đến cụm từ “Ngày tận thế ở New York” khi siêu bão Sandy tràn qua trung tâm tài chính của nước Mỹ. Theo những thông tin mới nhất, riêng tại New York đã có ít nhất 30 người chết, đồng thời có nguy cơ sẽ tạo nên sự hỗn loạn kéo dài. Lực lượng cứu hỏa đã phải dập nhiều vụ cháy và tiến hành nhiều cuộc giải cứu ở những ngôi nhà bị ngập lụt. Hàng loạt các tòa nhà đã bị phá hủy bởi hỏa hoạn hoặc bởi nước lũ cao tới 4,2 mét. Các tuyến đường tàu điện ngầm và xe buýt vẫn tạm ngưng hoạt động trong ngày thứ 3 liên tiếp. Hàng trăm ngàn ngôi nhà cũng đối diện với khả năng mất điện kéo dài cả tuần lễ. Giới chức New York nói rằng Phi trường Quốc tế John F. Kennedy có thể mở lại trong ngày 31/10, nhưng các sân bay chính khác sẽ cần phải dọn dẹp hậu quả của lũ lụt trước khi hoạt động trở lại. Sàn giao dịch chứng khoán New York cũng có kế hoạch hoạt động trở lại trong ngày 31/10. Thị trưởng New York Michael Bloomberg đã cảnh báo rằng số người chết có thể tăng cao. Ông đã kể lại trường hợp 1 người bị cây đè thiệt mạng ở khu Queens và 1 người khác bị điện giật chết. 2 người cũng bị chết đuối trong một căn nhà bị nước ngập. "Đây có thể là cơn bão với sức tàn phá tồi tệ nhất mà chúng ta từng đối mặt" - Bloomberg nói. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo thông báo rằng cảnh sát và lực lượng Vệ binh quốc gia đã cứu sống hàng trăm người trong các chiến dịch diễn ra sau bão Sandy. Theo ông Bloomberg, lính cứu hỏa đang phải chiến đấu chống lại 23 vụ cháy dữ dội trong thành phố, với một số vụ tiếp tục kéo dài tới tận ngày 30/10. Khói vẫn còn bốc lên tại nhiều con phố, sau khi lửa cháy lan qua 80 ngôi nhà tại quận Breezy Point ở khu Queens. Lính cứu hỏa dùng xuồng đã cứu được 25 người mắc kẹt trong các vụ hỏa hoạn. Breezy Point cũng nằm gần Bãi biển Rockaway, nơi lính cứu hỏa đã cứu vài người dân bị kẹt trong nhà họ vì nước lụt. Một vụ nổ lớn đã xảy ra tại trạm điện ngầm ở Manhattan đã cắt điện tới 200.000 gia đình ở trên đảo. Khoảng 300.000 ngôi nhà khác ở New York cũng mất điện khi Sandy xô đổ nhiều cây xanh và làm ngập các cơ sở truyền tải điện.

Cảnh hoang tàn ở Long Beach (Nguồn: AFP)
Phát ngôi viên công ty điện Con Edison ở New York, ông Alfonso Quiroz nói rằng tình trạng mất điện sẽ kéo dài cả tuần. Rất nhiều con đường ở New York hiện vẫn bị cây đổ chắn ngang và các tuyến đường hầm ngập trong nước lũ rút rất chậm. Các cây cầu dẫn ra khỏi Manhattan chỉ được mở cho các lực lượng cứu hộ. Dự kiến sẽ mất vài ngày để các con tàu hoạt động hoàn toàn trở lại. Tiếng còi xe cảnh sát và xe cấp cứu tràn ngập khung cảnh giao thông buổi sáng. Người đi bộ đã phải tìm cách tránh những cái cây bị gió mạnh tới 153km/h quật đổ. Các con phố ở khu Hạ Manhattan chìm trong bóng tối cho tới tận khi mặt trời mọc. Điện bị cắt cũng khiến nhiều khu chung cư cao tầng không có dịch vụ thang máy. "Tôi chẳng có nước, chẳng có khí gas để dùng. Tôi đã phải đi bộ tới 20 tầng cầu thang để xuống phố và giờ tôi phải cố để tới văn phòng" - nhân viên kế toán Joseph Warburton nói khi anh đi tới Midtown, nhằm dọc theo Đại lộ số 3.

Một hầm để xe ở New York ngập nặng hôm 30/10 (Nguồn: AFP)
Các con đường giờ đầy những cây xanh bật gốc, các bốt điện thoại bị thổi bay chỉ còn trơ nền và đèn giao thông bị quật đổ. Bệnh viện Tisch ở Đại học New York đã phải sơ tán hơn 200 bệnh nhân, gồm 20 đứa trẻ, khi nó mất điện và máy phát điện phụ không hoạt động. Các đoàn xe cứu thương vẫn tiếp tục đưa bệnh nhân ra khỏi bệnh viện trong sáng 30/10./.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục