Syria cáo buộc Mỹ áp dụng tiêu chuẩn kép trong chống khủng bố

Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem chỉ trích nhiều bang của Mỹ vẫn cung cấp tất cả các hình thức hỗ trợ cho các tổ chức khủng bố.
Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem. (Nguồn: Reuters)

Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem cho biết Syria ủng hộ nỗ lực quốc tế chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Trong một tuyên bố tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) ngày 29/9, ông Moualem khẳng định hành động quân sự chống IS và Mặt trận Al-Nusra tại Syria có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda cũng như các nhóm cực đoan khác cần đi kèm với việc cắt đứt nguồn cung cấp tài chính, vũ khí, các tay súng và sự huấn luyện cho các lực lượng này.

Ông Moualem nhấn mạnh: "Đã đến lúc tất cả cùng chung tay chống chủ nghĩa khủng bố vì không quốc gia nào được miễn trừ khỏi mối nguy hiểm này."

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo mọi hành động quân sự phải tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền quốc gia.

Mặt khác, ông Moualem cáo buộc chính quyền Mỹ áp dụng chính sách tiêu chuẩn kép trong cuộc chiến chống khủng bố. Ngoại trưởng Syria chỉ trích nhiều bang của Mỹ vẫn cung cấp "tất cả các hình thức hỗ trợ cho các tổ chức khủng bố", cụ thể là về tài chính, vũ khí và đào tạo cho "các nhóm mà họ gọi là ôn hòa."

Ông Moualem nhấn mạnh rằng vẫn chưa có "động thái nghiêm túc" nào nhằm thực hiện nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 8 vừa qua, theo đó quyết định cắt các nguồn tài chính và ngăn chặn sự tham gia của các tay súng nước ngoài để xóa bỏ các nhóm cực đoan ở Syria và Iraq.

Tuần trước, Mỹ đã báo trước với Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc về kế hoạch không kích các mục tiêu IS ở Syria nhưng không chờ sự đồng ý của Chính phủ Syria và đã thực hiện kế hoạch này từ ngày 23/9.

Các cuộc không kích của Mỹ đã tiêu diệt 211 tay súng IS, nhưng cũng làm 22 dân thường thiệt mạng. Ngoại trưởng Moualem không lên án đích danh các cuộc không kích nói trên, song cảnh báo việc tiến hành can thiệp quân sự trong khi một số nước tiếp tục hỗ trợ cho các tay súng có thể tạo ra một tình huống mà "nhiều thập kỷ tới, cộng đồng quốc tế sẽ không thể thoát ra được."

Trước đó, Damascus đã nhiều lần cáo buộc Qatar, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ cho các nhóm Hồi giáo vũ trang trong cuộc nội chiến tại Syria. Ba nước này đã bác bỏ cáo buộc trên.

Hiện IS đã chiếm giữ nhiều khu vực rộng lớn ở Syria và Iraq, và bị cáo buộc tiến hành các vụ thảm sát dân thường và binh sĩ. Các cuộc không kích của Mỹ và các nước đồng minh đến nay chưa ngăn chặn được đà mở rộng của lực lượng này.

Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), ngày 29/9, các phần tử thánh chiến thuộc IS đã tiến gần tới Ain al-Arab, thị trấn của người Kurd ở Syria nằm sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, còn gọi là Kobane theo tiếng Kurd.

Trong khi tiến quân, lực lượng IS đã bắn ít nhất 15 quả rocket vào Ain al-Arab, làm ít nhất một người thiệt mạng. Nhiều quả khác cũng được bắn vào khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Ít nhất một quả đã rơi sang lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, gần cửa khẩu Mursitpinar.

Phản ứng trước động thái trên, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai xe tăng tới khu vực biên giới. Theo kế hoạch, Quốc hội nước này sẽ nhóm họp ngày 2/10 để thảo luận khả năng gia nhập liên minh quốc tế chống IS. Chính phủ cho biết trong ngày 30/9 sẽ trình một kiến nghị lên Quốc hội cho phép các lực lượng vũ trang tham gia hành động tại Iraq và Syria để Ankara có thể tham gia liên minh do Mỹ đứng đầu chống lại các tay súng IS.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối tham gia liên minh quốc tế chống IS vì hàng chục công dân nước này, trong đó có các nhà ngoại giao, bị các tay súng IS bắt cóc từ Lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Mosul (miền Bắc Iraq).

Sau khi những người này được trả tự do, đổi lại việc thả 50 tay súng IS, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã thay đổi quan điểm, thể hiện một sự cứng rắn hơn đối với nhóm IS./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục