Nhớ về nhà văn Lê Văn Hòe với “Truyện Kiều chú giải”

Nhà văn Vân Hạc Lê Văn Hòe là một tấm gương nghiên cứu thận trọng, trung thực trong việc bảo tồn và phát huy vốn cổ của cha ông.
Dưới nắng thu ấm áp, nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu… đã tụ họp tại hội trường của Thư viện Hà Nội để cùng nhau ôn lại chuyện xưa về một nhà văn đã có những đóng góp to lớn cho văn học, giáo dục nước nhà, đó là nhà văn, nhà nghiên cứu, dịch giả Lê Văn Hòe, nhân 100 năm ngày sinh của ông. Tuổi trẻ tài cao Độc giả Việt Nam không xa lạ với cái tên Vân Hạc, bút danh của nhà văn Lê Văn Hòe, Chương Mỹ, Hà Nội, với công trình “Truyện Kiều chú giải” đồ sộ và ấn tượng. Lê Văn Hòe còn được biết đến bởi ông là một trong số ít các nhà văn Việt Nam viết và in sách từ rất sớm. Ông nổi tiếng với cuốn sách giáo khoa “Khai tâm luân lý” khi mới 16 tuổi. Đến năm 19 tuổi ông lại vang danh với tập truyện ngắn “Bể lòng.” Sau đó, Lê Văn Hòe cho in hàng loạt tác phẩm nghiên cứu, dịch thuật, phê bình văn học… Nhiều cuốn trong số đó được ngành giáo dục đương thời chọn làm sách giáo khoa và đưa vào giảng dạy trong các trường phổ thông, được dư luận khen ngợi, nhiều tầng lớp độc giả đón đọc nồng nhiệt. Nhiều cuốn sách bán rất nhanh trong thời gian ngắn, phải tái bản nhiều lần để đáp ứng nhu cầu bạn đọc cả nước. Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, từ năm 1927 đến 1954, nhà văn Lê Văn Hòe đã có hơn 30 tác phẩm được xuất bản, trong đó có 5 tác phẩm thuộc loại sáng tác, 7 tác phẩm nghiên cứu, phê bình, 15 tác phẩm thuộc loại tài liệu bách khoa từ điển, 2 tác phẩm dịch thuật và 9 tác phẩm sách giáo khoa. “Đây là một khối lượng tác phẩm khiến người đọc phải kinh ngạc, thán phục trước khả năng tích lũy kiến thức, tìm tòi, nghiên cứu của tác giả, nhất là ở độ tuổi trẻ,” ông Nguyên nói. “Truyện Kiều chú giải” trở lại Hơn 10 năm dạy học ở trường Alberrt Saraut và trường Tam Hiệp, Thanh Trì, nhà văn Lê Văn Hòe đã để lại trong nhiều thế hệ học trò những ấn tượng sâu sắc khi ông giảng về nghệ thuật chữ nghĩa trong các tác phẩm văn học Việt Nam, nhất là “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Với cuốn sách “Truyện Kiều chú giải” tới hơn 700 trang, nhà văn Lê Văn Hòe đã cho thấy vốn tri thức uyên thâm Đông-Tây, cổ-kim, tinh tường tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Pháp và lòng yêu tha thiết văn chương của ông. Từ đó, cuốn sách giúp độc giả Việt Nam khám phá thêm nhiều tầng lớp nghĩa trong kiệt tác “Truyện Kiều” của dân tộc. Ông Phạm Xuân Nguyên nhấn mạnh rằng, riêng phần khảo cứu của nhà văn đã đủ làm một cuốn sách cung cấp cho người đọc nhiều tri thức ngữ văn Việt và Hán, nhiều kinh nghiệm dịch thuật một tác phẩm văn chương từ tiếng Việt sang tiếng Pháp. Hơn thế, nó còn có tính chất nghiên cứu về giá trị của “Truyện Kiều” và tài năng của Nguyễn Du. Theo ông Nguyên, Vân Hạc Lê Văn Hòe đã để lại tấm gương của một nhà khảo cứu, nghiên cứu thận trọng, khách quan, trung thực, thẳng thắn trong việc bảo tồn và phát huy vốn cổ của cha ông. Ông rất tài tình và kỹ lưỡng trong chú giải, cẩn trọng, tinh vi trong bình luận; nghiêm túc, khách quan trong hiệu đính. Cũng khẳng định vai trò vượt trội của “Truyện Kiều chú giải” so với các bản chú giải về “Truyện Kiều” của các tác giả khác, nhà thơ Nguyễn Tiến Lộc cho rằng, “Truyện Kiều chú giải” của Lê Văn Hòe đã chú giải từ ngữ và ý nghĩa từng câu, sửa từng từ sai văn phạm và những lời chú giải sai lầm của các bản trước… với những dẫn chứng, phân tích sâu sắc. “Từ thuở còn là học sinh, chúng tôi đã ngưỡng mộ và kính phục bút hoa nhà văn Lê Văn Hòe,” nhà thơ Nguyễn Tiến Lộc nói. Còn theo nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi, cuốn sách này có giá trị đặc biệt với học sinh, sinh viên. Đây là một bản chú giải tỉ mỉ không dừng lại ở chú giải những câu chữ khó hiểu trong “Truyện Kiều” mà còn có những lời bình. Tuy nhiên, ông Khôi cũng nêu lên một thực trạng đáng ngại là “Truyện Kiều chú giải” đối với độc giả miền Bắc rất quý hiếm và khó tìm. Nếu như tình từ khi xuất bản (năm 1952), đến nay, phía Nam đã 13 lần tái bản tác phẩm này thì đây là lần đầu tiên cuốn sách này mới được tái bản ở miền Bắc. Việc tái bản cuốn sách này càng khẳng định giá trị của nó và công lao của nhà văn với những đóng góp quý báu cho ngành nghiên cứu “Truyện Kiều.” Từ việc tưởng nhớ nhà văn Lê Văn Hòe, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã nhận định một cách khái quát về khoảng trống của tư liệu văn học, báo chí ở Hà Nội nói chung, miền Bắc nói riêng giai đoạn 1947-1954. Theo ông Ân, đến nay còn thiếu những chuyên đề về văn học, báo chí ở miền Bắc trong giai đoạn này. Ông Ân hy vọng, việc tái bản “Truyện Kiều chú giải” sẽ góp một phần bé nhỏ lấp vào khoảng trống đó./.
Sáng ngày 1/11, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội kết hợp với Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Đông Tây và Thư viện Hà Nội tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Lê Văn Hòe (1911-2011).

Có đông đảo các nhà văn, nhà nghiên cứu, người yêu quý văn học nước nhà đã đến dự.

Cũng trong dịp này, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Đông Tây đã cho tái bản cuốn “Truyện Kiều chú giải” nổi tiếng của nhà văn Lê Văn Hòe.
Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục