Cùng TP.HCM tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp

Tại buổi làm việc của Chính phủ với TP.HCM, hầu hết ý kiến của các DN, hiệp hội đều cho rằng họ đang thiếu vốn, chật vật với lãi suất.
Ngày 23/4, đoàn công tác của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố khẳng định, tình hình hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động có chiều hướng gia tăng tập trung vào các nhóm ngành kinh tế thương mại, xây dựng và vận tải.

Theo đại diện Tổng công ty Nông nghiệp thành phố, chăn nuôi và sản xuất đang gặp khó khăn khi giá thịt lợn giảm đáng kể, kèm theo đó là thông tin thịt lợn nhiễm chất kích thích tạo nạc khiến nhiều công ty, trang trại, hộ chăn nuôi gặp khó đầu ra. Vì vậy, các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác kiếm tra để người nuôi trồng không bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cần tạo điều kiện để các công ty, trang trại tiếp cận vốn chăn nuôi và sản xuất.

Tại buổi làm việc, hầu hết ý kiến của các doanh nghiệp và hiệp hội đều cho rằng họ đang thiếu vốn và chật vật với lãi suất. Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố bức xúc: "Các Ngân hàng thích cho nhau vay hơn là cho doanh nghiệp vay, cứ như vậy bao giờ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới vay được vốn?."

Hiện nay trần lãi suất huy động đã giảm còn 12%, nhưng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn rất khó khăn và chưa đáp ứng được nhu cầu vốn cần thiết cho hoạt động.

Trước tình hình này, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm chỉ đạo nhằm giảm lãi suất cho vay xuống mức 14-15% đối với lĩnh vực kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước nên tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo việc thực hiện nghiêm mức trần lãi suất quy định là 12%.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và doanh nghiệp cả nước nói chung, tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nên thanh kiểm tra, tránh tình trạng ngân hàng vượt trần.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tại thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay, mức lãi suất trên là cao, nên ngân hàng phải chia sẻ với doanh nghiệp. Chính phủ mong muốn hạ lãi suất hơn cả doanh nghiệp, vì vậy nếu có điều kiện lãi suất sẽ hạ nhiều hơn. Tuy nhiên, muốn giảm lãi suất và bỏ trần buộc thanh khoản ngân hàng phải thực sự tốt.

Trả lời những kiến nghị của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng giảm lãi suất huy động vốn mỗi quý xuống 1%. Lãi suất có xu hướng giảm thì có khả năng lãi suất cho vay sẽ xuống còn 12-13% trong cuối năm nay.

Trong quý 1/2012, trên địa bàn Thành phố có gần 5000 doanh nghiệp được thành lập, tổng vốn đăng ký là 23407,6 tỷ đồng. So với cùng kỳ, số lượng doanh nghiệp tăng 30,9% nhưng số vốn đăng ký giảm 7,03%, điều này cho thấy doanh nghiệp mới thành lập chỉ đầu tư với quy mô nhỏ. Tại Cục Thuế Thành phố, trong quý 1 đã có 931 doanh nghiệp khóa mã số thuế để giải thể nhưng chỉ có 526 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, tăng 23,8% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, có 5012 doanh nghiệp gửi thông báo ngưng hoạt động đến Cục Thuế Thành phố, nhưng chỉ có 462 doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động đến Sở Kế hoạch và Đầu tư, tăng 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2011. Đây là mức tăng cao so với nhiều năm trở lại đây, thể hiện sự khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong giai đoạn hiện nay. Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố, nguyên nhân xảy ra hàng ngàn doanh nghiệp phá sản trong quý 1/2012 chủ yếu là do thiếu vốn và nợ nần./.

Liên Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục