"Vườn lịch sử": Phương pháp dạy sử bằng hiện vật

"Vườn lịch sử" là phương pháp dạy sử bằng hiện vật, góp phần đổi mới phương pháp dạy sử, giảm tải một cách tích cực cho học sinh.
"Vườn lịch sử" là ý tưởng của thầy giáo Hoàng Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Minh Khai 1 và ông Đinh Xuân Hướng, Tổng Giám đốc Công ty Sông Mã (thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

"Vườn lịch sử" là giải pháp góp phần đổi mới phương pháp dạy sử, giảm tải một cách tích cực cho học sinh.

Tác giả đã sáng tạo nên một phương pháp dạy sử bằng cách dùng hiện vật, các tảng đá mang dấu ấn địa - lịch sử để thiết kế "Vườn lịch sử."

Vườn tạo nên một không gian thân thiện, tự hào, gây hứng thú trong việc giáo dục lịch sử địa phương, khắc phục được tình trạng thiếu hiểu biết, nhanh quên trong việc học lịch sử của học sinh.

"Vườn lịch sử" có khả năng áp dụng với tất cả các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tùy vào khả năng để định liệu quy mô phù hợp. Mô hình có thể thiết kế cho một hoặc liên trường ở nhiều bậc học hoặc một vùng dân cư.

Vườn cũng có thể thiết kế theo các cách làm khác như vườn cây lịch sử (cây được lấy từ địa danh lịch sử rồi treo các panô có hình ảnh và thông tin lịch sử hoặc vườn tranh lịch sử trên các mảng tường liên hoàn rồi chú thích thêm về kiến thức lịch sử hoặc cũng có thể kết hợp với sa bàn, mô hình, trồng cây…

Thầy Hoàng Xuân Khánh cho biết trong khuôn viên trường học, nhà trường thiết kế một khu vườn đẹp, hấp dẫn học sinh với việc sưu tầm các tảng đá có nguồn gốc địa - lịch sử tại chính địa danh diễn ra sự kiện lịch sử hoặc có hình thù gợi cảm đến địa danh - sự kiện - nhân vật lịch sử cần được giáo dục để sắp đặt có chủ đích vào khu vườn. Có hệ thống thuyết minh địa danh, sự kiện, nhân vật lịch sử kèm theo sao cho rõ ràng, dễ nhìn, dễ nhớ, dễ tuyên truyền. Ví dụ như khi giới thiệu về Đông Sơn chỉ cần thuyết minh ngắn gọn như "Làng Đông Sơn (khởi danh một nền văn hóa nổi tiếng thế giới)."

Làng thuộc địa phận phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đông Sơn là làng Việt cổ có vị trí rất lớn, đại diện cho cả một giai đoạn lịch sử Văn minh Đông Sơn - Trống đồng Đông Sơn.

Việc phát hiện di tích làng cổ Đông Sơn với niên đại hơn 2.500 năm đã mở ra chương mới cho việc nghiên cứu văn minh Việt cổ thời đại dựng nước đầu tiên - nền văn hóa Đông Sơn. Khối đá nguyên vị tại núi đá đầu làng Đông Sơn được đưa về đặt trong Vườn lịch của trường.

Mô hình này tạo sự ham thích tìm hiểu, học hỏi, tự hào với lịch sử địa phương của học sinh và cũng nơi giáo viên có thể tổ chức dạy hoc ngoài hiện trường hoặc bản thân học sinh, cộng đồng dân cư tự tìm hiểu, lĩnh hội tri thức./.

Minh Nguyệt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục