Sang tên, đổi chủ phương tiện là việc làm cần thiết

Liên quan đến việc xử lý phương tiện xe ôtô, xe máy "không chính chủ," Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết: Nói và hiểu như vậy là không đảm bảo đúng với quy định trong Nghị định 71/2012/NĐ- CP của Chính phủ. Tại khoản 3, Điều 20 Thông tư 36/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 của Bộ Công an đã quy định, trường hợp xe chuyển qua nhiều chủ...thì người chủ cuối cùng (người bán) đứng ra làm thủ tục sang tên và thực hiện đầy đủ các thủ tục về phí trước bạ thì được giải quyết.
Trước dư luận phản đối về vấn đề sang tên, đổi chủ và mức phạt cao đối với phương tiện "không chính chủ" khi tham gia giao thông, chiều 12/11, tại Trụ sở Bộ Công an, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã có cuộc trao với phóng viên các cơ quan báo chí xung quanh vấn đề này.

Liên quan đến việc xử lý phương tiện xe ôtô, xe máy "không chính chủ," Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị cho biết: Nói và hiểu như vậy là không đảm bảo đúng với quy định trong Nghị định 71/2012/NĐ- CP của Chính phủ. Trong Nghị định 71 đã quy định rõ đối với xử phạt phương tiện không chuyển nhượng theo quy định tại điểm c khoản 3 và điểm c khoản 6 của Điều 33.

Trong quy định đăng ký xe (môtô, ôtô) cũng quy định rõ người mua, bán xe trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày làm thủ tục mua, bán thì phải đến cơ quan đăng kiểm để thực hiện việc đăng ký, sang tên, đổi chủ; nếu quá thời hạn 30 ngày mà chưa sang tên, đổi chủ thì trái với quy định và sẽ bị phạt. Như vậy, những người đi xe (môtô, ôtô) của gia đình, xe đi mượn, đi thuê... có giấy tờ hợp pháp thì không bị xử phạt.

Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị cũng cho biết, Bộ Công an cũng đã có Công điện số 141 hướng dẫn cụ thể các địa phương về việc xử lý đối với các phương tiện "không chính chủ;" trong đó, các trường hợp đã mua, bán xe (môtô, ôtô) nhưng chưa sang tên, đổi chủ trong thời gian 30 ngày thì lực lượng Cảnh sát giao thông nên nhắc nhở người điều khiển phải đi đăng ký chính chủ, chứ không xử phạt.

Cũng theo Thiếu tương Đỗ Đình Nghị, để việc thu phí đảm bảo công bằng thì người dân nên sang tên, đổi chủ phương tiện để tránh việc người sử dụng phương tiện thì không phải đóng phí trong khi người đứng tên vẫn phải chịu trách nhiệm đóng phí duy tu bảo trì đường bộ.

Về vấn đề xử phạt nặng hiện nay đối với phương tiện (môtô, ôtô) không sang tên, đổi chủ theo quy định, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị cho biết: Vấn đề này trên thế giới đã thực hiện từ lâu và ở Việt Nam cũng triển khai trong nhiều năm qua. Trong Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành năm 2010 cũng như Nghị định 71/2012/NĐ-CP cũng nêu rõ, việc thực hiện xử phạt hành vi này để tăng cường hiện lực quản lý của nhà nước và bảo đảm lợi ích của nhân dân.

Cũng theo Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, đây là việc làm cần thiết trước thực trạng tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông đang diễn ra phức tạp, nhiều người tham gia giao thông chưa chấp hành đầy đủ các điều kiện đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Cũng tại buổi trao đổi với phóng viên các cơ quan báo chí, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị đã trả lời về những băn khoăn của người dân trong việc làm thủ tục mua, bán, sang tên, đổi chủ đối với những phương tiện (mô tô, ôtô) đã có nhiều chủ và không xác định được chủ.

Theo Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị: Thông tư 36/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 của Bộ Công an đã quy định rõ về vấn đề này. Cụ thể, tại khoản 3, Điều 20 đã quy định rõ, trường hợp xe chuyển qua nhiều chủ, không xác định được những chủ trước thì người chủ cuối cùng (người bán) đứng ra làm thủ tục sang tên và thực hiện đầy đủ các thủ tục về phí trước bạ thì được giải quyết./.

Nguyễn Cường (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục