Phi thường Nhật Bản

Sức chịu đựng phi thường hay tinh thần Nhật Bản

Cái cách mà người dân Nhật Bản phản ứng trước thảm họa động đất và sóng thần vừa rồi thật đáng để các dân tộc khác phải nể phục.

Tiếng Nhật có nhiều từ không thể dịch ra được, bởi đó là một nền văn hóa độc nhất vô nhị. Gaman là một từ như thế, có nghĩa đen là nghệ thuật chịu đựng, kèm theo chủ nghĩa khắc kỷ và khả năng thích nghi với mọi tình huống. Gaman chính là biểu hiện của Nhật Bản sau thiên họa khủng khiếp động đất và sóng thần vừa rồi. Vietnam+ xin trích dịch bài viết được đăng trên tờ Time.

Dịch lời Tolstoy, các dân tộc khác nhau trải nghiệm thảm họa theo những cách khác nhau. Ở Nam Á, sau trận sóng thần 2004, không khí đầy mùi tang tóc. Nhưng phản ứng của Nhật Bản và cách người dân Nhật thể hiện sự đau thương sau thảm họa mới đây không như thế.

Nước mắt đã rơi, nhưng không chút ồn ào. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa rằng đau thương là ít hơn. Song người Nhật khiến những ai chứng kiến họ vượt qua thảm họa cảm thấy hoàn toàn khác, so với tất cả những thiên tai mà chúng ta từng biết.

Bất chấp việc các nguồn cung cấp cạn kiệt, những hàng dài trước các trạm xăng và cửa hàng nhu yếu phẩm vẫn duy trì được trật tự tuyệt đối, như thường nhật. Không có vụ hôi của nào. Sự thiếu thốn những hàng hóa thiết yếu nhất cho đời sống đã được người dân chấp nhận một cách lặng lẽ, không một lời than phiền, không có ai lớn giọng.

Ý tưởng rất rõ ràng: Mọi người đều đau đớn như nhau. Các trung tâm sơ tán, sân vận động, trường học, bệnh viện, nơi hơn 450.000 người đang chen chúc nhau, được tổ chức tuyệt đối ngăn nắp. Mất điện và không có máy tính, những thông báo được ghi trên các tấm bảng trắng lớn và mọi người tuân thủ kỷ luật đến mức khó tin.

Những chiếc hộp giấy được đặt phía trước cửa để đặt những chiếc giày, sự tỉ mỉ mà chỉ người Nhật mới có thể có, ở thời điểm khủng khiếp nhất trong cuộc đời họ. Ở Nhật, người ta không đi giày trong nhà, và trận sóng thần không thay đổi được nguyên tắc xã hội đơn giản nhất đó.

Tất nhiên, trật tự, kỷ luật, ý thức đóng vai trò quan trọng trong những tình huống như thế này, song điều ấn tượng nhất có lẽ chủ nghĩa khắc kỷ cao độ khi tất cả người Nhật đều thể hiện sự can đảm lặng lẽ đến khó tin. Không phải là họ không sợ thiên tai. Có vẻ như mọi đau thương đã được nuốt hết vào trong, mà việc cố gắng không bộc lộ càng khiến nỗi đau nhân lên gấp bội. Tính cách Nhật toát ra dữ dội từ thảm họa này.

Người ta nói con người bất lực trước thiên nhiên, nhưng với riêng người Nhật, họ khiến người ta cảm thấy điều ngược lại. Trận động đất, và cả cơn sóng thần, đã gây ra hủy hoại khủng khiếp, nhưng nó đã không thể quật ngã tinh thần Nhật. Sự cam chịu trước thảm họa được đẩy lên đến cùng cực đã trở thành lòng can đảm không gì sánh được.

Ngày Chủ nhật, Thủ tướng Nhật Naoto Kan, khuôn mặt lặng lẽ một cách khác thường, gọi thiên họa vừa rồi là “cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất” từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng Nhật Bản đã vươn lên từ đống tro tàn 70 năm trước để trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới. Họ cũng sẽ lại đứng lên từ thảm họa này, không chút sợ hãi, như người Nhật từ trước đến giờ vẫn thế./.

 
Hải Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục