Chợ Viềng Xuân 2011 đìu hiu khách, đường thoáng

Chợ Viềng Xuân 2011 không có nhiều du khách nên tránh được cảnh chen lấn, xô đẩy, tắc đường, kẹt xe trên  đường dẫn đến Phủ Giầy.
Theo ghi nhận của nhiều người, chợ Viềng Xuân 2011 tại huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định) không thu hút được nhiều khách hơn so với các năm trước.

Do ít khách nên du khách thập phương lại tránh được cảnh chen lấn, xô đẩy, tắc đường, kẹt xe trên những con đường dẫn đến khu vực họp chợ và tại các chùa, đền, phủ thuộc quần thể di tích Phủ Giầy (xã Trung Thành và Kim Thái).

Lễ hội năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết lý tưởng, trời khô ráo và ấm áp tuy thỉnh thoảng có vài hạt mưa Xuân.

Đìu hiu người mua hàng

Đến hẹn lại lên, từ sáng 9/2 (tức mồng 7 Tết), du khách xa gần đã tấp nập đổ về Vụ Bản để kịp dự chợ Viềng - phiên chợ đặc biệt mỗi năm chỉ họp một lần vào đêm mồng 7 tới mờ sáng mồng 8 tháng Giêng - và đi lễ để cầu may mắn, an lành, hạnh phúc cho gia đình và tránh được những điều rủi ro trong năm mới.

Cũng như mọi năm, chợ Viềng bày bán các mặt hàng truyền thống như nông cụ, cây giống và hoa cây cảnh, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ dùng cũ, đồ cổ và giả cổ...

Du khách có thể tìm thấy ở đây những giống cây rau màu điển hình như cà chua, ớt; các loại cây ăn quả như táo, ổi, nhãn, vải, chanh đến những vật dụng cần thiết của nhà nông như liềm, cuốc, xẻng, nơm, đó bắt cá, quang gánh, thúng mủng, rổ rá, kim chỉ... Du khách tìm mua nhiều nhất là các loại cây cảnh, cây thế mini như sung, si, phát lộc... với giá bán phải chăng, từ 50.000 đến khoảng trên 1 triệu đồng.

Năm nay, nhìn chung các mặt hàng, dịch vụ tại chợ Viềng đều không "chạy" bằng mọi năm. Ngồi từ cuối giờ chiều ngày 9/2 đến tận 12 giờ đêm ngay sát sân vận động xã Trung Thành, nơi tập trung nhiều du khách nhất của chợ Viềng, nhưng anh Sơn và những người bạn đồng hương quê Vũ Thư (Thái Bình) chỉ bán được vài ba cây cảnh mini.

Vợ chồng một chủ vườn cây cảnh tại huyện Nam Trực cũng than vãn vì lượng khách ít, bán không được nhiều. Vợ chồng anh đã bỏ không ít tiền để thuê chuyển cả chuyến xe tải cây cảnh, cây thế tới chợ.

Chị Thu bán thịt bê ngay trước cổng Ủy ban Nhân dân xã Kim Thái, tâm sự tưởng trời đẹp, khách về đông nên gia đình chị đã mua về sẵn 7 chú bê để chuẩn bị phục vụ khách. Tuy nhiên, từ sáng sớm đến tối 9/2, anh chị bán chưa hết... 3 con, trong khi vào thời điểm này các năm trước anh chị đã bán gần hết 7 con. Các "đồng nghiệp" ngồi bên cạnh chị cũng chẳng "khá khẩm" hơn, một số người còn tranh thủ chợp mắt lấy sức với hy vọng ngày mai nhanh chóng "đẩy" hết lượng hàng.

Theo chị Thu, năm nay, lượng khách đổ về chợ Viềng chỉ bằng khoảng 1/3 so với năm 2010. Khá đông du khách đã tới đi lễ cầu lộc tại Phủ Giầy vào sáng và chiều 9/2 vì sợ cảnh ùn tắc, chen chúc mất an toàn.

Không khí trầm lắng ở đền, chùa, phủ

Tại các đền, chùa, phủ, không khí cũng khá trầm lắng, không có cảnh chen chúc "bẹp ruột" trong khu vực hành lễ ở nội cung như các năm trước.

Tại phủ Tiên Hương, khoảng gần 100 du khách đứng xếp hàng đợi đến lượt mình vào lễ ở nội cung. Lực lượng bảo vệ của nhà đền cũng không vất vả lắm để nhắc nhở du khách trật tự không được "chen ngang."

Trong khuôn viên của phủ, du khách có thể thoải mái tìm cho mình một chỗ vắng vẻ để nghỉ chân. Hàng quán bán đồ hành lễ, văn hóa phẩm, viết sớ, đổi tiền lẻ cũng "ế ẩm."

Phủ Nội nằm gần đó thì quá vắng vẻ. Khu vực nội cung chỉ đếm được 2-3 đôi nam nữ thanh niên đang hành lễ. Phủ Tổ - Khải Thánh Từ - nằm ngay sát con đường lớn trung tâm của xã Kim Thái cũng chỉ có độ 20 người đến lễ. Tại phủ Tổ Vân Cát mới được xây dựng, sửa sang lại khá bề thế, nhưng đếm qua chỉ thấy khoảng 30 người trung niên.

Ngược lại với tâm trạng "ngồi buồn" của các chủ hàng quán, dịch vụ tại chợ Viềng và các đền, phủ gần đó, các lái xe ôm địa phương năm nay vẫn kiếm bộn tiền.

Do công an tổ chức phân luồng giao thông từ xa, cấm ôtô di chuyển trên nhiều tuyến đường nên một lượng khá đông du khách các tỉnh xa phải xuống cuốc bộ hoặc thuê xe ôm. Giá xe ôm khoảng 20.000 đồng/km.

Một phụ nữ trẻ tên Hương đến từ Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, năm nào cũng tranh thủ sắp xếp thời gian để về lễ tại Phủ Giầy và đi chợ Viềng tại Nam Định. Tuy nhiên, đây là lần hiếm hoi không bị tắc đường, chờ đợi hàng tiếng đồng hồ chen chân trên quốc lộ 21 để tới chợ Viềng Vụ Bản. Năm nay, chị còn có thời gian cùng bạn bè thảnh thơi dạo chơi tới hầu khắp các đền phủ chính của Phủ Giầy và cảm nhận không khí đồng quê mùa Xuân./.

Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục