Tổng thống Myanmar cam kết chấm dứt xung đột

Tổng thống Myanmar cam kết sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết và hiệu quả để ngăn chặn tình trạng xung đột tôn giáo ở nước này.
Tổng thống Myanmar U Thein Sein ngày 28/3 cam kết sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết và hiệu quả, trong đó có cả sử dụng vũ lực, để ngăn chặn tình trạng xung đột đang có nguy cơ lan rộng giữa cộng đồng người Hồi giáo và Phật giáo ở nước này.

Trong một bài phát biểu được truyền hình trên cả nước, Tổng thống U Thein Sein cho rằng "những kẻ chủ mưu" đang cố tình kích động gây rối an ninh - chính trị tại quốc gia này "sẽ không được tha thứ."

Ông nêu rõ trong trường hợp cần thiết, Chính phủ Myanmar sẽ dùng vũ lực để bảo vệ sinh mạng người dân và các tài sản quốc gia, dập tắt các vụ bạo loạn ảnh hưởng tới một số thị trấn hiện nay.

Ông đồng thời nhấn mạnh người dân Myanmar, dù theo các tôn giáo khác nhau, nhưng cần cùng nhau tồn tại trong hòa bình, đi chung con đường hướng tới một xã hội mới, dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, nhằm giải quyết các thách thức mà đất nước đang phải đối mặt trong quá trình cải cách.

[Myanmar tăng cường lệnh giới nghiêm ở miền Trung ]

Xung đột giáo phái ở Myanmar bùng phát từ hôm 20/3, khi những người theo đạo Phật gây rối với những người Hồi giáo thiểu số ở thành phố miền Trung Meikhtila.

Làn sóng bạo lực đã lan rộng nhanh chóng sang các khu vực lân cận, khiến chính quyền Myanmar phải đặt tình trạng báo động khẩn cấp đối với 4 tỉnh và khu vực xung quanh thành phố Meikhtila, và lệnh giới nghiêm (từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau) đối với 5 thị trấn thuộc khu vực Bago.

Theo số liệu thống kê của cảnh sát Myanmar tính tối 28/3, ít nhất 42 người thiệt mạng, 93 người bị thương, khoảng 12.000 người phải sơ tán do bạo lực và 37 kiến trúc tôn giáo và hơn 1.200 ngôi nhà đã bị phá hủy trong các vụ bạo lực tuần qua.

Đây là vụ xung đột tôn giáo tồi tệ nhất tại Myanmar trong một năm trở lại đây. Hồi năm ngoái, các vụ bạo lực tôn giáo giữa người theo đạo Phật (chiếm đa số) và đạo Hồi (chiếm khoảng 4% dân số) ở bang Rakhine, miền Tây Myanmar, cũng đã khiến 180 người thiệt mạng và hơn 110.000 người bị mất nhà ở.

Trong ngày 28/3, hàng trăm người dân Myanmar thuộc các tôn giáo khác nhau đã đổ về thành phố Yangon, tham gia sự kiện "Cầu nguyện cho Myanmar" kêu gọi người dân trong nước chấm dứt phân biệt chủng tộc và tôn giáo để chung sống hòa bình./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục