Đột phá trong nghiên cứu vắcxin để ngừa HIV/AIDS

Công trình nghiên cứu của các nhà khoa học đã mở ra hy vọng sẽ sớm thành công trong nghiên cứu bào chế vắcxin ngừa HIV/AIDS.
Sau nhiều thập kỷ nghiên cứu điều chế một loại vắcxin ngăn ngừa căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, các nhà khoa học trên thế giới đang bước vào chặng đường cuối cùng hướng tới một bước tiến lớn trong mục tiêu này.

Phát biểu trước báo giới ngày 14/7 tại Washington, Giám đốc Viện các bệnh dị ứng và truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID), ông Anthony Fauci, nêu rõ cho đến cách đây vài năm, các nhà khoa học vẫn chưa thể điều chế thành công vắcxin ngừa HIV/AIDS dù đã nghiên cứu trong nhiều thập kỷ. Họ thậm chí không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào chứng tỏ các công trình nghiên cứu đã đi đúng hướng.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, giới khoa học thế giới đã chứng kiến hai sự kiện quan trọng làm thay đổi và tạo ra những bước ngoặt lớn trong nghiên cứu vắcxin HIV/AIDS.

Sự kiện đầu tiên là năm 2009, các nhà khoa học đã điều trị thử nghiệm một loại vắcxin đối với 16.000 người tại Thái Lan và cho kết quả hết sức khả quan. Sự kiện thứ hai là hồi tuần trước, NIAID đã công bố một công trình nghiên cứu xác định hai loại kháng thể trong máu của bệnh nhân dương tính với HIV/AIDS mà khi kết hợp với nhau, chúng có thể ngăn chặn được loại virus chết người này xâm nhập cơ thể tới 90%.

Công trình thử nghiệm tại Thái Lan và nghiên cứu của các nhà khoa học NIAID đã mở ra hy vọng thế giới sẽ sớm thành công trong nghiên cứu bào chế vắcxin ngăn ngừa căn bệnh thế kỷ hiện vẫn chưa có phương thuốc điều trị hiệu quả này.

Theo Giám đốc Fauci, có thể trong vài năm tới, thế giới sẽ có vắcxin HIV/AIDS. Ông lưu ý trong thời gian chờ đợi này, biện pháp hữu hiệu nhất để tránh lây nhiễm HIV/AIDS vẫn là chủ động phòng ngừa như quan hệ tình dục an toàn, không sử dụng chung kim tiêm, an toàn trong truyền máu....

Theo số liệu mới nhất của Tổ chức phòng chống AIDS của Liên hợp quốc (UNAIDS), tính đến cuối năm 2008 cả thế giới có khoảng 33,4 triệu người nhiễm HIV/AIDS, trong đó khu vực miền Nam sa mạc Sahara có số trường hợp mắc bệnh cao nhất (22,4 triệu người), tại Nam Á và Đông Nam Á là 3,8 triệu người. Số bệnh nhân HIV/AIDS tử vong trong cùng năm là hai triệu người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục