“Sáng tạo luôn là động lực của mọi sự phát triển”

Để hiện thực hóa một sản phẩm thì không cách nào nhanh bằng công nghệ, thông qua công nghệ để ý tưởng về nghệ thuật thành hiện thực.
Từ một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, tiến sỹ Nguyễn Đức Tiến rẽ hướng sang lĩnh vực hội họa và công nghệ với khát khao tạo nên những điều khác biệt, đưa hội họa Việt Nam đến gần hơn với thế giới và khơi dậy đam mê sáng tạo của các bạn trẻ.

Tự nhận mình là người “đang khai thác và sáng tạo trên nền tảng công nghệ và nghệ thuật của Apple nói chung và của Steve Jobs nói riêng,” anh không ngần ngại chia sẻ về ảnh hưởng từ "ông hoàng" công nghệ này tới những bước ngoặt trong sự nghiệp của mình.

- Luôn tự nhận mình là một “fan cuồng” của “phù thủy” công nghệ Steve Jobs, anh có thể cho biết điểm nào ở Jobs khiến anh ngưỡng mộ nhất và có ảnh hưởng nhiều nhất tới sự nghiệp của anh?

TS Nguyễn Đức Tiến: Đó chính là ý chí và nghị lực làm việc, sự say mê với công việc của ông.

Khi ở phổ thông trung học, Jobs chỉ thích học nghề. Bước vào đại học, ông cũng chỉ học sáu tháng rồi lại quyết định theo học nghề, sáng tạo ra sản phẩm đầu tiên, thu về lợi nhuận, rồi quyết tâm thành lập ra Apple.

Ông cực kỳ chịu khó đọc sách. Đây là điều thế hệ trẻ rất cần học ở Jobs. Nhờ đó mà ông có tri thức, kỹ năng để tuyển dụng những người giỏi, rồi kết hợp họ với nhau, sắp xếp họ ngồi cùng với nhau và với mình để có được Apple.

Sự thành công của con người không phải đi lên từ đào tạo học thuật cơ bản mà là từ nghề. Nó phù hợp với mong muốn của mình là muốn vươn lên từ một cái nghề.

Bên cạnh đó, cuộc sống của ông lại có góc khuất, triết lý sống quá hay làm cho mình thức tỉnh nhiều điều.

- Đây có phải là động lực để anh quyết định “rẽ hướng” trong sự nghiệp của mình không?

TS Nguyễn Đức Tiến: Có thể nói, câu chuyện xuất phát từ gốc này. Ngày 10/10/2011, khi Steve Jobs mất được năm ngày, là ngày tôi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ về ngành quản trị rủi ro của ngân hàng tại Hong Kong. Lúc đó, tôi chợt nhận ra: Đạt được học vị tiến sỹ nhưng sự đóng góp của mình cho xã hội được bao nhiêu?

Tuy nhiên, học đến tiến sỹ rồi nhưng nếu ngân hàng sa thải, tôi vẫn hoàn toàn có thể mất việc. Tôi luôn trăn trở về điều đó và tự đặt câu hỏi: công việc nào thực sự đem lại lợi ích cho cộng đồng, cho những người thân của mình và cho chính bản thân mình. Dần dần tôi ngộ ra: thực sự chỉ có một số kỹ năng nghề, chứ không có nghề nào cụ thể để ta có thể tự đứng trên đôi chân mình.

Bên cạnh đó, mình trong vòng khoảng 5 năm trở lại đây, tôi mất đi khoảng mười người bạn, người thân thích, già có, trẻ có. Tôi nhận thấy cuộc sống thật ngắn ngủi.

Ngoài ra, do ảnh hưởng từ nhỏ, tôi sống ông ngoại và ông tôi là người cả đời thích vẽ. Tôi cũng rất yêu hội họa và luôn mơ ước có thể vẽ. Nhưng thực sự thì không thể! Tôi chỉ có thể đưa ra ý tưởng thôi.

- Từ cuộc triển lãm “Tư duy khác biệt” đến cuộc thi “Thiết kế khác biệt,” anh luôn hướng đến điều khác biệt, những sáng tạo thực sự. Vậy theo anh, thế nào là sáng tạo?

TS Nguyễn Đức Tiến: Theo tôi, sáng tạo là cái gì đó hơi mang tính trừu tượng. Động lực để phát triển là phải sáng tạo, giao lưu.

Để cho dễ hiểu, tôi lấy ví dụ thế này: Khi bạn cầm trong tay một sản phẩm của hãng Apple với những ứng dụng rất thân thiện, đáp ứng được những nhu cầu cụ thể về nghe nhạc, xem phim,… tự dưng mình cảm thấy bị hấp dẫn. Cái đó chính là sáng tạo.

Nó thôi thúc mình làm một điều gì đó đặc biệt. Tôi quyết tâm sáng tạo vì cuộc sống quá ngắn ngủi, nếu không có gì để lại cho xung quanh mình thì thật lãng phí.

Những gì tôi đang và sẽ tiếp tục làm đều xuất phát từ đam mê, mong muốn cho bản thân mình có một sự nghiệp, một cái nghề giản dị như nghề hội họa thôi. Nghề hội họa không chỉ được hiểu là gói gọn trong việc biết vẽ mà còn rất nhiều khía cạnh khác.

Sản phẩm khi được tạo ra thì nó sẽ phục vụ nhiều người. Khi đó, mình cũng có phần mãn nguyện vì giúp ích được cho đời. Từ đó, nó lại kích thích mình sáng tạo.

Nó còn có lợi ích về vật chất nữa. Bởi khi khách hàng mua sản phẩm tức là có một dòng vật chất quay trở lại mình. Theo thông điệp Steve Jobs nói “sáng tạo là cốt lõi thành công, thành công đó đem lại lợi nhuận, có lợi nhuận thì bạn mới có thể tiếp tục sáng tạo.”

- “Nghề hội họa không chỉ được hiểu là gói gọn trong việc biết vẽ mà còn rất nhiều khía cạnh khác.” Ý kiến này nghe khá “lạ tai.” Anh có thể nói cụ thể hơn không?

TS Nguyễn Đức Tiến: Có thể bạn rất thích hội họa nhưng bạn lại không thể vẽ. Như vậy, bạn có thể đứng ra giúp đưa những tác phẩm của các họa sỹ Việt Nam ra thế giới hay đưa các tác phẩm của họa sỹ quốc tế giới thiệu với công chúng trong nước.

Có một nghề như vậy trong hội họa. Thực tế chính là công việc mà tôi đang triển khai: Kết hợp công nghệ và nghệ thuật để đưa những tác phẩm của họa sỹ Việt ra thế giới.

Có thể một ngày gần đây, các bạn sẽ thấy một tiến sỹ ngân hàng trở thành một người mở một công ty nho nhỏ làm nghề cho thuê tranh ảnh, giới thiệu sản phẩm như người ta vẫn cho thuê cây cảnh ấy. Đó cũng là một nghề gắn liền với hội họa. phải đi lên từ việc nhỏ như vậy thì sẽ làm đc việc lớn.

Nếu ra được thị trường nước ngoài, nó vừa là cho thuê thu lợi nhuận vừa là cách quảng bá hình ảnh Việt Nam.

- Trên thực tế, công nghệ và nghệ thuật lại là những lĩnh vực dường như không có quan hệ gì với nhau. Anh nghĩ sao về điều này?

TS Nguyễn Đức Tiến: Công nghệ nghe chừng rất khô cứng. Nó là những thiết bị, phần mềm công nghệ để làm việc. Còn nghệ thuật là sự phóng tác tự do.

Steve Jobs thực ra là một “phù thủy” về nghệ thuật, là người chơi nghệ thuật vì ông chỉ đặt ra  đề bài: tôi muốn thiết kế ra một chiếc máy tính bảng mềm mại, nhẹ nhàng, khi người ta cầm có cảm giác dễ gần.

Tuy nhiên, nghệ sỹ chỉ ra đề bài như vậy mà không có những bàn tay những người làm công nghệ thò vào để tạo tác bằng những công cụ thì làm sao mà ra được sản phẩm.

Sự tương tác giữa công nghệ và nghệ thuật là ý tưởng, phát kiến, đòi hỏi, mong muốn và khát vọng. Để hiện thực hóa một sản phẩm thì không cách nào nhanh bằng công nghệ. Thông qua con đường công nghệ để những ý tưởng về nghệ thuật thành hiện thực.

- Trong quá trình thực hiện những ý tưởng đó, anh có gặp trở ngại gì không?

TS Nguyễn Đức Tiến: Tất nhiên là có chứ! Khó khăn nhiều lắm! Thời gian và sức khỏe đều có hạn. Từ 1/10 vừa rồi, tôi đã chính thức xin dừng công việc ở ngân hàng để dành toàn bộ thời gian cho sự nghiệp nghề mà mình theo đuổi. Đó là cả một quá trình.

Làm việc tại ngân hàng quốc tế, tôi là giám đốc của một chi nhánh. Chỉ bốn tháng trước khi triển lãm “Tư duy khác biệt” mở cửa, tôi đã phải xin từ giám đốc chi nhánh thành chuyên viên dự án.

Theo tôi, mỗi người đều phải tự xác định cho mình mục tiêu riêng và quyết tâm hoàn thành nó, dù là mục tiêu nhỏ. Như vậy, chúng ta mới có thể thành công trong cuộc sống.

- Thông qua những hoạt động của mình, thông điệp mà anh muốn truyền tới các bạn trẻ là gì?

TS Nguyễn Đức Tiến: Các bạn trẻ bây giờ đang bị hấp dẫn bởi quá nhiều thông tin cực kỳ phong phú hàng ngày trên internet, tivi,… nhưng liệu rằng bao nhiêu trong tổng số hàng tỷ tỷ thông tin như vậy đọng lại trong các bạn, để rồi biến thành kỹ năng riêng của các bạn? Đây là câu hỏi chưa có lời giải.

Và nếu đã biến thành kỹ năng riêng thì làm sao để sáng tạo ra thành sản phẩm?

Đa phần các bạn trẻ đều biết và rất thích các sản phẩm công nghệ như ipad, iphone,…; nhưng khi hỏi làm sao để làm ra chúng thì rất rất hiếm bạn biết được.

Như vậy các bạn mới đang ở giai đoạn trải nghiệm mình ở cảm giác hưởng thụ, người sử dụng chứ chưa đi vào gốc căn cơ hơn để biến những cảm giác, trải nghiệm đó thành sự thăng hoa trong bản thân mình, để tạo ra sản phẩm có giá trị.

Bởi vậy, các bạn rất cần nhập cuộc. Hãy sử dụng, khám phá để rồi sáng tạo nên những sản phẩm có giá trị thực sự.

- Anh có thể cho biết những dự định sắp tới của mình để thúc đẩy các bạn trẻ sáng tạo?

TS Nguyễn Đức Tiến: Sáng tạo trong kinh doanh, giới thiệu hội họa sẽ là con đường mình đi tiếp; nhưng vẫn luôn luôn phải gắn với các hoạt động có tính lan tỏa cao, thu hút nhiều người, tập trung vào đối tượng dễ bị tác động nhất là trẻ em. Bởi trẻ em có trí tưởng tượng, sáng tạo rất phong phú.

Tôi muốn tiếp tục thúc đẩy phong trào sáng tạo sử dụng thiết bị công nghệ, kêu gọi thành lập quỹ trang bị thiết bị công nghệ cho học sinh, tìm tới các trường, hướng dẫn các em cách sử dụng sao cho hiệu quả các sản phẩm công nghệ, ứng dụng được vào học hành, giải trí. Từ đó, thúc đẩy các em tìm tòi, sáng tạo.
 
Chúng ta phải biết khai thác hợp lý trong thời kỳ bùng nổ này. Nắm bắt được niềm yêu thích của các em thì sẽ hướng được các em đến sự sáng tạo, sàng lọc ra được những tinh tú để đào tạo thành tài năng.

Nếu một ấn bản điện tử được xuất khẩu thành công ra thế giới, dù chỉ được người dân nước ngoài biết đến thì họ cũng sẽ giúp chúng ta lan tỏa thương hiệu “Made in Vietnam.”

Đừng nghĩ gì viển vông, to tát mà hãy bắt đầu từ những mục tiêu nhỏ; đặc biệt với ngành ấn bản điện tử, các bạn sẽ không bao giờ mất đi sản phẩm.

- Xin trân trọng cảm ơn anh!

Nguyễn Đức Tiến (sinh năm 1974) tốt nghiệp ngành Hóa dầu-Đại học Bách khoa Hà Nội (1997), MBA về Quản trị tài chính-Đại học Irvine California, Mỹ (2008), tiến sỹ Quản lý rủi ro quản trị tài chính-Đại học Tarlac, Hong Kong (2011).

Trước khi chính thức rút khỏi lĩnh vực tài chính-ngân hàng, tiến sỹ Nguyễn Đức Tiến từng làm việc tại Ngân hàng Quốc tế VIB, vị trí Giám đốc Trung tâm thẻ Hà Nội, chuyên viên dự án.
Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục