Châu Âu ủng hộ Obama

Chính sách của ông Obama được châu Âu ủng hộ

Sự ủng hộ của người châu Âu đối với chính sách đối ngoại của Mỹ đã tăng gấp bốn lần kể từ khi Tổng thống Obama lên cầm quyền.
Sự ủng hộ của người châu Âu đối với chính sách đối ngoại của Mỹ đã tăng gấp bốn lần kể từ khi Tổng thống Barack Obama tiếp quản chức vụ người đứng đầu Nhà nước Mỹ từ người tiền nhiệm George Bush, cho dù giữa hai bờ Đại Tây Dương vẫn tồn tại bất đồng về các vấn đề Afghanistan và Iran.

Đó là kết quả cuộc điều tra hàng năm mang tên Các xu hướng xuyên Đại Tây Dương năm 2009 do tổ chức German Marshall Fund của Mỹ công bố ngày 9/9.

Cuộc điều tra cho thấy 77% số người được hỏi ở 12 nước thành viên Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ cách thức ông Obama giải quyết các vấn đề quốc tế, so với chỉ 19% ủng hộ ông Bush trong cuộc điều tra năm 2008.

Đáng chú ý là tỷ lệ ủng hộ chính sách đối ngoại của ông Obama ở Đức lên tới 92%, so với 12% ủng hộ ông Bush.

Cuộc điều tra cũng cho thấy sự khác biệt lớn giữa Tây Âu và Trung-Đông Âu về tỷ lệ người ủng hộ các chính sách đối ngoại của ông Obama (86% so với 60%). Người Đông và Trung Âu ít đánh giá tích cực về các mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu hơn người Tây Âu.

Trong cuộc khảo sát năm nay, tỷ lệ này ở hai khu vực của châu Âu là 53/65, so với 44/40 trong cuộc điều tra năm ngoái. Chỉ có 25% số người được hỏi ở Trung và Đông Âu cho rằng các mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu đã được cải thiện trong năm qua, trong khi tỷ lệ này ở Tây Âu là 43%.

Ngoài ra, ít người Trung và Đông Âu (53%) đánh giá cao vai trò của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hơn người Tây Âu (63%).

Tuy nhiên, có tới 45% số người Trung và Đông Âu được hỏi tin rằng mối quan hệ đối tác về an ninh, ngoại giao và kinh tế giữa Mỹ và EU sẽ trở nên khăng khít hơn, trong khi tỷ lệ này ở Tây Âu chỉ là 39%.

Theo các nhà phân tích, Trung và Đông Âu không ủng hộ mạnh mẽ chính quyền mới ở Mỹ do khu vực này còn e ngại Nga và do họ đã có các mối quan hệ khá tốt đẹp với nước Mỹ dưới thời ông Bush. Tuy nhiên, các con số trên phản ánh mong muốn của châu Âu về các mối quan hệ tốt đẹp hơn với Washington./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục