Việt Nam-WTO hội thảo về tranh chấp thương mại

Tại buổi hội thảo, các luật sư đã giải thích khá rõ về phương pháp zeroing mà nhiều vụ kiện bán phá giá của Việt Nam đang vấp phải.
Ngày 22/11, tại trụ sở của Trung tâm Tư vấn luật thuộc Tổ chức Thương mại thế giới (ACWL), nhóm các luật sư ACWL đã có buổi hội thảo với Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sĩ về các vấn đề liên quan đến khía cạnh pháp lý trong xử lý các vụ tranh chấp thương mại được đưa ra giải quyết tại WTO.

Hội thảo do ông Niall Meager, Giám đốc điều hành của ACWL, và ông Nguyễn Trung Thành, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn ngoại giao Việt Nam, đồng chủ trì với mục đích tìm hiểu các quy định pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại cũng như thực tiễn triển khai luật WTO trong thời gian qua và khả năng khai thác hệ thống luật WTO đối với Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn trong thời gian tới.

Tại buổi hội thảo, các luật sư đã giải thích khá rõ về phương pháp zeroing mà nhiều vụ kiện bán phá giá của Việt Nam đang vấp phải.

Zeroing là một phương pháp tính toán trong quá trình tính biên độ phá giá, trong đó cho phép quy về 0 một số giao dịch. Ví dụ, nếu một nhà xuất khẩu bị điều tra thực hiện 5 giao dịch xuất khẩu, trong đó có giao dịch biên độ phá giá là dương và có giao dịch biên độ phá giá là âm. Nếu sử dụng cách tính biên độ phá giá bình quân của nhà xuất khẩu này thì biên độ bán phá giá có thể là âm, từ đó dẫn đến kết luận là không có hành vi bán phá giá và hệ quả là sẽ không bị áp thuế chống bán phá giá, nhưng nếu sử dụng phương pháp zeroing thì nhà xuất khẩu này có thể sẽ bị áp thuế chống bán phá giá. Phương pháp zeroing (chủ yếu được Mỹ áp dụng) bị Cơ quan Giải quyết tranh chấp của WTO coi là vi phạm các quy định của WTO.

Trong khi đó, luật sư Hunter Nottage đưa ra một số lựa chọn mà Việt Nam có thể sử dụng trong quá trình giải quyết việc thực thi các phán quyết trong tranh chấp như yêu cầu quyền trả đũa thương mại, thành lập ban hội thẩm hoặc tiếp tục thương lượng để cùng tìm ra giải pháp giải quyết tranh chấp.

Luật sư Frieder Roessler, cựu Giám đốc điều hành ACWL cho biết trung tâm được thành lập năm 2001 này là một tổ chức liên chính phủ, độc lập với WTO, đặt trụ sở tại Giơnevơ, nhằm tư vấn và đào tạo luật WTO, hỗ trợ thủ tục giải quyết tranh chấp WTO cho các nước có yêu cầu cung cấp dịch vụ, với mức phí chỉ bằng 50% so với thuê văn phòng luật sư tư nhân.

Đại sứ Nguyễn Trung Thành cho biết việc tổ chức hội thảo này là rất hữu ích không chỉ trong việc tư vấn, xử lý các trường hợp cụ thể trên thực tiễn mà còn có giá trị đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ ngoại giao đa phương của Việt Nam.

Trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu và sự gia tăng các biện pháp bảo hộ mậu dịch, các vụ tranh chấp thương mại giữa các quốc gia có nguy cơ nổi lên ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, những dạng khác nhau của tranh chấp thương mại sẽ có cơ hội nảy sinh khi gia tăng khối lượng thương mại, số lượng các sản phẩm giao dịch, số nước và các công ty tham gia quan hệ thương mại.

Một trong những nguyên tắc giải quyết tranh chấp của WTO khác với hầu hết các cơ chế tài phán công pháp quốc tế hiện nay là các nước thành viên có quyền đưa những tranh chấp của mình ra WTO mà không cần có sự đồng ý của bên bị kiện. Khi họ đưa các tranh chấp ra giải quyết tại WTO, thủ tục giải quyết của WTO là tập trung vào các nguyên tắc pháp lý dựa trên hệ thống các hiệp định của thể chế này.

Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO hiện nay được coi là cơ chế tài phán ưu việt hơn cả trong luật quốc tế hiện đại. Tổng Giám đốc WTO, ông Pascal Lamy, từng nhận xét sự tồn tại của tổ chức độc lập như ACWL với nhiệm vụ cung cấp các thủ tục pháp lý cần thiết cho các nước đang phát triển và kém phát triển để tạo điều kiện cho những nước này tận dụng được hết những cơ hội mà WTO mang lại là vô cùng cần thiết.

Cho đến nay, đã có 43 nước kém phát triển và 30 quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam) là thành viên của ACWL./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục