Khám phá Hà Nội thời Hùng Vương-An Dương Vương

Tác phẩm giúp người đọc hiểu được gốc rễ để làm nên bề dày văn hiến của Hà Nội ngàn năm từ một chiều sâu lịch sử xa xưa hơn nữa.
“Hà Nội thời Hùng Vương-An Dương Vương” là cuốn sách khảo cổ học của phó giáo sư-tiến sĩ Trịnh Sinh, nghiên cứu và làm sáng tỏ về một Hà Nội thời cổ đại đầy hào hùng.

Tác phẩm giúp người đọc có thể hiểu được gốc rễ để làm nên bề dày văn hiến của Hà Nội ngàn năm từ một chiều sâu lịch sử xa xưa hơn nữa.

Cuốn sách dựng lại những bước chân đầu tiên của người nguyên thủy kéo từ vùng gò trung du xuống chặt cây, đào củ bằng công cụ làm từ đá cuội cho đến khi Hà Nội thuộc địa giới của 2 bộ Giao Chỉ và Chu Diên trong 15 bộ của nước Văn Lang, thời các vua Hùng.

Để dựng lại một giai đoạn hào hùng của người Hà Nội nói riêng và của cả nước Việt Nam nói chung thời của các vua Hùng, vua Thục, cuốn sách này đã chắt lọc từ nhiều tư liệu lịch sử có thật, từ những mảnh gốm cho đến trống đồng Đông Sơn tìm được trong lòng đất Hà Nội…

Thời Hùng Vương-An Dương Vương, trên mảnh đất Hà Nội vang vọng tiếng trống đồng Cổ Loa khắp làng trên xóm dưới, người Hà Nội xưa cùng với bao tộc người Việt cổ khác quần tụ để trở thành dân tộc Việt. Đây còn là thời điểm tính cách Việt định hình rõ nét và cứng cáp, một thời đại làm nền móng đầu tiên trong công cuộc lập nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Cuốn sách cũng chứng minh, trong thời đại Hùng Vương-An Dương Vương, Hà Nội là một vùng đất nổi trội qua việc tìm được hàng chục trống đồng Đông Sơn trong lòng đất, trong đó có những trống đẹp hiếm có, thuộc loại quốc bảo hàng đầu của nước Nam như: trống Cổ Loa, Hoàng Hạ.

Nhờ hào khí Thăng Long được hun đúc trong thời đại Hùng Vương-An Dương Vương nên vào thế kỷ XIII, chính âm thanh trống đồng Hà Nội đã góp phần vào cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông của toàn dân tộc.

Thời Hùng Vương-An Dương Vương đã đi vào lòng người dân Việt Nam hàng ngàn năm nay, đã thành tâm linh, biểu tượng, huyền tích, tự hào dân tộc có nguồn gốc rễ văn minh sâu xa. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở góc độ tín ngưỡng như vậy thì vẫn chưa thể mang tính thuyết phục cao, nhất là đối với các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Vì thế, công trình này đi từ những dấu tích có thật, một nền văn minh rực rỡ để tìm ra bản chất của một thời đại hào hùng, một thời văn hóa Đông Sơn tạo nên căn cốt đầu tiên dựng nước và quần tụ thành dân tộc Việt.

Bên cạnh phần tiếng Việt, một số phần chú thích minh họa của sách còn được dịch sang tiếng Anh nhằm giúp độc giả, các nhà khoa học trong và ngoài nước có điều kiện tìm hiểu, tham khảo về lịch sử cổ đại của Thủ đô Hà Nội./.

Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục