Cần bảo đảm an toàn giao thông trên hồ thủy điện Đắk Đrinh

Bảo đảm an toàn giao thông trên hồ thủy điện Đắk Đrinh

Tất cả thuyền máy đang hoạt động trên hồ thủy điện Đắk Đrinh đều không có đăng kiểm, không chứng chỉ điều khiển phương tiện, không có phao cứu sinh.

Từ khi thủy điện Đắk Đrinh ngăn dòng tích nước vào đầu tháng 9/2013 đến nay, giữa các xã của huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi và một số xã của tỉnh Kon Tum sống quanh lòng hồ thủy điện xuất hiện nhiều thuyền, ghe máy do người dân sử dụng để làm phương tiện giao thông đường thủy vận chuyển người và hàng hóa, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao.

Cho đến nay, hàng ngày có hơn 40 chiếc thuyền máy tự tạo, hoặc mua lại của ngư dân vùng biển để hoạt động trên lòng hồ thủy điện Đắk Đrinh.

Tuy nhiên, tất cả đều không có giấy phép đăng ký, không đăng kiểm, không chứng chỉ điều khiển phương tiện, không có phao cứu sinh khi đang lưu thông trên mặt hồ.

Nhiều hộ dân xã Đắk Nên, huyện Kon Plông (Kon Tum) đã dùng loại phương tiện đường thủy này để vận chuyển vật liệu xây dựng, hàng hóa từ huyện Sơn Tây sang Đắk Nên, vì việc vận chuyển bằng đường thủy gần và dễ dàng hơn so với đường bộ, tiết kiệm được chi phí.

Một số gia đình đã bỏ tiền ra đầu tư mua một chiếc ghe để vận chuyển hàng hóa của mình và có thể chở thêm khách qua lại.

Có mặt tại hồ thủy điện Đắk Đrinh vào một buổi chiều, chúng tôi bắt gặp một chiếc thuyền gắn máy chở 13 người, sáu chiếc xe máy cùng nhiều hàng hóa, chạy với tốc độ cao.

Chiếc thuyền này cũng tương tự như những chiếc thuyền máy khác quanh đó, tất cả đều không có áo phao. Vỏ thuyền được làm bằng tôn, không có mái che, mỗi chiếc có độ lớn nhỏ khác nhau.

Ông Đinh Văn Đáo ở thôn Đắc Long, xã Sơn Dung, chủ ghe vừa cập bến, cho biết khi thủy điện Đắk Đrinh ngăn dòng tích nước, người dân các xã Sơn Long, Sơn Liên, Sơn Dung của huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) và xã Đắk Nên, huyện Kon Plông (Kon Tum) sẽ có nhu cầu đi lại bằng đường thủy, bởi đường bộ sẽ bị nước ngập hoàn toàn, nên ông đã mua thuyền máy để đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con.

Gia đình ông Đáo có bốn chiếc ghe, đều là mua lại của ngư dân dưới vùng biển Quảng Ngãi, sau đó mua máy nổ gắn vào là chạy được.

Những ngày đầu thủy điện mới ngăn dòng, do lượng thuyền còn ít nên hàng ngày ông Đáo chở rất nhiều khách và hàng hóa, nhưng giờ nhiều hộ dân đã sắm ghe để dùng nên lượng khách ít hơn.

Chi phí cho mỗi chuyến đi từ Sơn Dung đến thôn Nước Đốp, xã Sơn Long khoảng 50.000 đồng/người/lượt, còn xe máy thì khoảng 100.000 đồng. Còn đi từ Sơn Dung qua xã Đắk Nên của Kon Tum thì khoảng 25.000 đồng/người/lượt, và 50.000 đồng cho xe máy.

Tuy chi phí hơi cao, nhưng đi đường thủy nhanh hơn, dễ dàng hơn. Chính vì vậy, thời gian gần đây có nhiều hộ tự mua thuyền để phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình.

Tuy nhiên, việc đi lại bằng đường thủy bên cạnh những thuận lợi cũng có không ít rủi ro. Ông Đáo cho biết thêm ngày mới dùng thuyền máy, đã có lần con trai ông là Đinh Văn Thinh dùng thuyền chở người, xe máy, hàng hóa. Do chưa thông thạo cách điều khiển, cũng như độ sâu lòng hồ, nên khi cách bờ khoảng 40m, những người đi trên thuyền nhốn nháo, làm thuyền bị chao, một chiếc xe máy của khách bị rơi xuống hồ. Rất may là tính mạng của những người đi trên thuyền không bị nguy hiểm.

Trước tình trạng trên, để lập lại trật tự, đảm bảo an toàn giao thông trên hồ thủy điện Đắk Đrinh, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an huyện Sơn Tây đã phối hợp với ba xã của huyện Sơn Tây và xã Đắk Nên, huyện Kon Plông của tỉnh Kon Tum họp, quán triệt luật giao thông đường thủy, đồng thời, đề nghị người dân làm thủ tục đăng ký, đơn đề nghị cấp giấy phép sử dụng thuyền.

Lực lượng cảnh sát giao thông cũng phối hợp với thanh tra giao thông tỉnh, trao áo phao, phao cứu sinh cho hơn 20 thuyền. Tuy nhiên, sau khi bà con nhận giấy hướng dẫn đăng ký cấp giấy phép sử dụng thì người dân không nộp lại cho cơ quan chức năng.

Ông Đinh Xuân Dương, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông huyện Sơn Tây cho biết Công ty thủy điện đã có hệ thống phao ngăn không cho tàu thuyền vào khu vực gần đập nguy hiểm, nhưng người dân vẫn đi vào.

Vừa qua, đã có một thuyền của dân làm đứt dây phao an toàn trên hồ nên bị công ty thủy điện xử phạt cảnh cáo. Nhìn mặt hồ có vẻ tĩnh lặng, nhưng thực chất luôn tiềm ẩn những nguy hiểm, đặc biệt ở khu vực gần đập mực nước rất sâu, chỉ cần có những cơn gió nhẹ cũng có thể xảy ra tai nạn./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục