Lâm tặc vẫn lộng hành, kiểm lâm còn “mỏng”

Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho biết tại nhiều địa phương, kiểm lâm vẫn còn tỏ ra yếu thế trong nhiều vụ tấn công của lâm tặc.
Hiện nay, tại nhiều địa phương, kiểm lâm vẫn còn tỏ ra yếu thế trong nhiều vụ tấn công của lâm tặc.

Trao đổi với phóng viên, Tiến sỹ Hà Công Tuấn, Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, muốn giải quyết vấn đề bảo vệ rừng tận gốc, không thể chỉ trông chờ vào kiểm lâm mà cần nâng cao năng lực của chính quyền cơ sở, đặc biệt là những điểm nóng và đưa người dân sống gần rừng trở thành lực lượng căn bản bảo vệ rừng.

Xin ông cho biết tình trạng lâm tặc chống người thi hành công vụ hiện nay đang diễn ra như thế nào?

Tiến sỹ Hà Công Tuấn: Tình trạng lâm tặc lộng hành, hành hung, chống người thi hành công vụ công khai, đang diễn ra ở nhiều địa phương.

Hành vi đó không chỉ xâm hại tính mạng, sức khỏe người thi hành công vụ, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, công dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kỷ cương phép nước trong lĩnh vực bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, mà còn gây phức tạp cho tình hình an ninh, trật tự xã hội ở nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận.

Vì thế, phải tập trung chỉ đạo thống nhất, thực hiện quyết liệt các biện pháp đấu tranh, trừng trị và phòng ngừa; tổ chức điều tra, xử lý nghiêm khắc đối tượng chống người thi hành công vụ.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu để có chế tài phù hợp nhằm nâng cao năng lực cho kiểm lâm để có thể làm tròn nhiệm vụ, bảo vệ được tính mạng người bảo vệ rừng.

Theo ông, đâu là nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trong công tác bảo vệ rừng hiện nay?

Tiến sỹ Hà Công Tuấn: Nguyên nhân của tồn tại thì có rất nhiều và ở mỗi địa phương một khác. Tuy nhiên về phổ quát nhất, tôi cho rằng có một số nguyên nhân. Thứ nhất là do áp lực về dân số, đòi hỏi cao về đất ở và đất canh tác, giá cả một số mặt hàng nông, lâm sản tăng cao, nên một số người phá rừng lấy đất canh tác hoặc làm thuê cho bọn đầu nậu, kẻ có tiền; khi bị ngăn chặn, bắt giữ thì họ tìm mọi cách chống đối.

Thứ hai là do chính quyền địa phương nơi có “điểm nóng” chưa kiên quyết chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị 12/TTg, 08/TTg không đồng bộ, chủ yếu giao cho kiểm lâm và chủ rừng thực hiện. Địa bàn cơ sở là nơi diễn ra các hoạt động bảo vệ rừng, nhưng chính quyền cơ sở thiếu năng lực (cán bộ, kinh phí, cơ chế), một số nơi không thể ngăn chặn triệt để được hành vi vi phạm.

Thứ ba là do xử lý vi phạm pháp luật thường kéo dài, chế tài xử lý còn nhẹ; chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan có liên quan trong việc điều tra, xử lý vi phạm, chưa “đánh trúng” kẻ cầm đầu, xúi giục.

Thứ tư, do lực lượng kiểm lâm mỏng, địa vị pháp lý hạn chế, trang thiết bị, phương tiện chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, một bộ phận còn hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, dao động trước khó khăn, thậm chí có biểu hiện tiêu cực, bị mua chuộc, tiếp tay cho hành vi trái pháp luật.

Vậy làm thế nào để công tác bảo vệ rừng hiệu quả và hạn chế được những hành vi lâm tặc tấn công kiểm lâm?

Tiến sỹ Hà Công Tuấn: Bảo vệ rừng là vấn đề xã hội, lực lượng kiểm lâm chỉ là nòng cốt trong việc thừa hành pháp luật và tham mưu cho chính quyền tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về lâm nghiệp; do vậy nếu chỉ sử dụng họ như “công cụ” duy nhất của Nhà nước chắc rằng không thể giải quyết được tận gốc vấn đề.

Để công tác bảo vệ rừng hiệu quả và kiểm soát được tình trạng chống người thi hành công vụ thì phải tập trung giải quyết những nguyên nhân trên. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng đề án quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trình Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Tôi cho rằng để đáp ứng yêu cầu, chúng ta phải tăng cường thực hiện cả các biện pháp trước mắt một cách quyết liệt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Chỉ thị 12/TTg và 08/TTg theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, kiên định tổ chức thực hiện bằng các giải pháp và cơ chế chính sách lâu dài làm cho rừng có chủ thực sự; giải quyết đời sống của người làm rừng và người dân sống trong rừng, gần rừng để họ không chỉ không vi phạm mà phải thành lực lượng căn bản trong bảo vệ, phát triển rừng; có thể chế để các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội có nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Xin cảm ơn ông!/.

So với yêu cầu công tác hiện nay và quy định hiện hành của Nhà nước thì đội ngũ kiểm lâm còn thiếu về số lượng, nhất là đối với các khu vực miền núi có nhiều rừng và đội ngũ kiểm lâm địa bàn.

Toàn quốc hiện có trên 10.000 người đang công tác trong lực lượng kiểm lâm, trong đó có trên 8.000 công chức được tuyển dụng chính thức.

Vừa qua, Chính phủ đã đồng ý bổ sung khoảng 3.000 biên chế kiểm lâm toàn quốc trong giai đoạn từ nay đến 2015.
(Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục