Pháp tốn 650 triệu euro khi về Bộ Chỉ huy NATO

Với việc trở lại cơ cấu quân sự của Tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương, Pháp sẽ tốn thêm 650 triệu euro từ nay đến năm 2015. 
Báo Pháp "Thế giới" (Le Monde) số ra ngày 6/11 cho biết với việc trở lại cơ cấu quân sự của Tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), Pháp sẽ phải thanh toán thêm một hóa đơn lên tới 650 triệu euro từ nay đến năm 2015.

Con số này do Nghị sĩ đảng Xã hội Philippe Nauche tiết lộ trong cuộc điều trần không công khai về ngân sách năm 2001 của Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Pháp. Nghị sĩ Nauche cho biết số tiền lớn này không được dự trù trong Luật về chương trình quân sự của Pháp.

Sau quyết định đưa Pháp tái hội nhập hoàn toàn vào NATO do Tổng thống Nicolas Sarkozy đưa ra hồi tháng 8/2007, các cơ quan tài chính của nước này bắt đầu phải tính toán.

Pháp đã cử hai tướng lĩnh tham gia Bộ chỉ huy NATO và số nhân viên người Pháp làm việc tại NATO tăng từ 250 người vào năm 2008 lên 1.300 người vào năm 2012.

Khoản chi tăng thêm chủ yếu là do chi phí về lương, mỗi năm chi phí lương sẽ cần phải bổ sung thêm 70 triệu euro, trong đó bao gồm cả phụ cấp làm việc tại nước ngoài.

Ngoài ra, Pháp sẽ phải bỏ ra thêm 30 triệu euro, bổ sung vào khoản đóng góp hàng năm cho NATO lên tới 170 triệu euro.

Tuy nhiên, hiện không phải là lúc tăng chi phí quân sự. Ngân sách quốc phòng của 28 nước thành viên NATO đều cắt giảm do tác động của khủng hoảng kinh tế. Hơn nữa, NATO cũng đang gặp nhiều khó khăn về tài chính như ngân sách của khối năm 2010 vẫn chưa được dự trù xong. Các nước đóng góp nhiều nhất (Mỹ, Anh, Pháp, Italy, Đức) thúc đẩy tổ chức này phải có kế hoạch chi tiêu tiết kiệm.

Năm 2010, NATO thiếu 60 triệu euro cho ngân sách hoạt động quân sự, vốn đã vượt quá 1 tỷ euro. Tham gia vào cuộc chiến Afghanistan, chi phí này đã tăng gấp ba lần kể từ ba năm nay.

Ngoài ra, NATO thiếu 100 triệu euro cho các khoản đầu tư khác. Liên minh đã cam kết 10 tỷ euro cho các chương trình của khối, trong đó một nửa được quyết định tập thể, nhưng các chương trình vẫn chưa nhận được tài trợ.

Cuộc cải tổ liên quan tới tài chính gây chia rẽ các nước thành viên. Pháp và Đức, khác với Mỹ và Anh, cho rằng đóng góp trực tiếp của họ quá cao nên muốn hạn chế tài trợ cho các hoạt động chung để “tránh phải chi hai lần”.

Các nước đóng góp lớn muốn thu gọn cơ cấu và cắt giảm biên chế các bộ chỉ huy (quân số lên đến 13.000 người). Tuy nhiên, các nước đóng góp trung bình, như Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, lại muốn triển khai thêm các cơ sở của NATO trên lãnh thổ của họ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục