Mỹ kết thúc chiến dịch "giải cứu" Tập đoàn xe hơi GM

Những cổ phiếu cuối cùng của GM đã được bán nốt, chính thức khép lại chương trình hỗ trợ kéo dài 5 năm nhằm giải cứu "đại gia" này.

Ngày 9/12, những cổ phiếu cuối cùng của General Motors (GM) - tập đoàn xe hơi hàng đầu nước Mỹ thuộc sở hữu Bộ Tài chính Mỹ đã được bán nốt, chính thức khép lại chương trình hỗ trợ kéo dài 5 năm nhằm giải cứu "đại gia" này trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái hồi niên 1930 của thế kỷ trước.

 

Trong một tuyên bố đánh dấu sự kiện này, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định chưa đầy 5 năm kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng, cả 3 "đại gia" xe hơi của Mỹ, trong đó có GM, đã đủ mạnh để quay trở lại hoạt động độc lập. Lần đầu tiên trong gần một thập kỷ qua, các tập đoàn này đã có thể tạo ra lợi nhuận, đạt tăng trưởng mạnh nhất kể từ thập niên 90 và tạo thêm được 372.000 việc làm mới.

Theo Bộ trưởng Tài chính Jack Lew, chương trình bảo hộ từng gây tranh cãi khi ra đời năm 2008 đã giúp ổn định ngành công nghiệp ôtô và ngăn chặn nguy cơ về một cuộc suy thoái kép.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành GM Dan Akerson trước đó một ngày đã phát biểu đánh giá cao chương trình cứu trợ của chính phủ và cam kết tiếp tục nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô Mỹ trong tương lai.

 

Cuối năm 2008, Chính quyền khi đó của Tổng thống George W. Bush đã khởi động chiến dịch cứu trợ ngành công nghiệp xe hơi Mỹ do lo ngại sự sụp đổ của ngành này sẽ đẩy nền kinh tế đầu tàu thế giới lún sâu hơn vào suy thoái. Chính quyền Tổng thống Obama sau đó đã tiếp tục mở rộng chương trình này. Chính phủ tham gia kiểm soát tài chính hai "đại gia" xe hơi hàng đầu là GM và Chrysler trong khi "ông lớn" Ford tiếp tục hoạt động độc lập. Với GM, chính phủ đã chi ra 49,5 tỷ USD và thu về được 39,5 tỷ USD sau khi bán cổ phiếu.

Bộ Tài chính cho biết các gói cứu trợ dành cho GM và Chrysler đã làm hao tổn ngân khố quốc gia khoảng 15 tỷ USD. Tuy nhiên, một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu ôtô Mỹ nhận định tổn thất của chính phủ là không đáng kể so với những thiệt hại nếu bỏ mặc hai hãng trên.

Theo nghiên cứu, bằng việc "cứu" GM và Chrysler, Chính phủ Mỹ đã tránh được khoản thiệt hại khoảng 105 tỷ USD. Chương trình cứu trợ cũng giúp tạo ra 2,6 triệu việc làm trong năm 2009 và 284,4 tỷ USD thu nhập cá nhân giai đoạn 2009-2010./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục