Nhập khẩu kịch ngoại: Bán được vé vẫn lỗ

Dựng kịch bản nước ngoài, cố gắng Việt hóa, mời đạo diễn ngoại quốc... đã xưa như "Diễm." Giờ là thời của kịch “nhập nguyên chiếc.”
Dựng kịch bản nước ngoài, cố gắng Việt hóa để mượn chuyện người nói chuyện mình? Hay sang hơn một chút, là mời đạo diễn nước ngoài dàn dựng vở, với sự tham gia diễn xuất của cả ta lẫn Tây? “Linh kiện ngoại lắp ráp tại Việt Nam” - “Diễm” đấy “xưa” rồi!

Sau những “Người tốt Tứ Xuyên” đến từ Nhật, “Romeo và Juliet” đến từ Anh, “Mười hai con giáp” đến từ Trung Quốc hay gần đây nhất là “Kẻ nói dối đa tình” đến từ Hàn Quốc, hứa hẹn một làn sóng kịch Hàn Quốc tại Việt Nam và sẽ còn nhiều, nhiều nữa.

Đã đến thời của kịch “nhập nguyên chiếc”?

Tạo điểm đến bằng mọi giá bất kể lỗ lãi, khi cái lãi không tính bằng tiền - theo cách của ngành hàng không, hay tự “làm khó” túi tiền của mình bằng “hội chứng xài sang” “ăn một bát cháo chạy ba quãng đồng” kiểu “Denilson” của bóng đá Hải Phòng. Đó là cả một phép toán khó cho câu chuyện “nhập nguyên chiếc” kịch ngoại.

Lẽ dĩ nhiên, trước khi những “Người tốt Tứ Xuyên”, “Mười hai con giáp”, “Romeo và Juliet” hay “Kẻ nói dối đa tình”... đến Việt Nam, cũng đã có một số vở kịch ngoại đánh đường sang Việt Nam theo hình thức “nhập nguyên chiếc” này.

Nhưng điều đáng nói ở đây là những “Người tốt Tứ Xuyên”, “Mười hai con giáp”, “Romeo và Juliet”... đã đến được Việt Nam bằng nỗ lực tự thân và sự năng động, nhìn xa trông rộng của một số nhà hát và công ty tổ chức biểu diễn tư nhân, bầu sô... chứ không phải bằng con đường truyền thống, chính ngạch là kênh trao đổi văn hóa cấp Nhà nước, cấp Bộ, được sự bảo trợ của nhà nước hay sự tài trợ của các tổ chức phi chính phủ...

Theo ông Trương Nhuận - Phó Giám đốc phụ trách tổ chức biểu diễn của Nhà hát Tuổi Trẻ (nơi đã “nhập” “Người tốt Tứ Xuyên” và “Mười hai con giáp” về Việt Nam) thì sở dĩ không dám trông chờ nhiều vào “kênh chính ngạch” nói trên là vì so với các loại hình sân khấu truyền thống khác như rối nước, ca múa nhạc dân tộc... thì cơ hội cho “đoàn ra, đoàn vào” với loại hình kịch nói quả chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Phần vì đặc thù rào cản ngôn ngữ, phần vì bản thân nó chưa đủ là đặc sản của riêng ai để được coi là lựa chọn hàng đầu của mỗi nước khi tiến hành trao đổi giao lưu văn hóa. Vậy thì thay vì ngồi chờ sung rụng, phải tự mà đi... rung cây hay leo cành hái quả vậy! Bài toán vì vậy có thể chung đáp số nhưng cần nhiều cách giải hơn hẳn.

“Đắt xắt ra miếng”

Tự leo cành hái quả thì dĩ nhiên là phải động não, động tay động chân nhiều hơn là phải ngồi chờ sung rụng. Vì vậy, cho đến nay, những đơn vị, cá nhân dám liều mạng bỏ tiền ra mời các đoàn kịch nước ngoài vào lưu diễn ở Việt Nam mới chỉ đếm được chưa hết một bàn tay.

Tâm huyết nhất với hướng mở này ở Hà Nội phải kể đến Nhà hát Tuổi Trẻ. Một phần nhờ vào năng lực tài chính của một nhà hát có sức sáng đèn đều đặn nhất ở Thủ đô, phần nhờ vào “tư duy cấp tiến” của ông Phó Giám đốc đối ngoại đã được đào tạo PR và tổ chức biểu diễn tại Anh.

Bằng những mối quan hệ kết nghĩa, giao lưu trao đổi của mình mà vài năm gần đây, Nhà hát Tuổi Trẻ đã tranh thủ cơ hội mời được một số vở diễn khá thuyết phục đến Việt Nam từ các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản. Đó là kiệt tác sân khấu “Người tốt Tứ Xuyên” của Đoàn kịch Tokyo Engeki Ensemble đến Việt Nam để làm một việc tốt là thực hiện chuyến lưu diễn xuyên Việt không bán vé tại ba thành phố (Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh).

Vở diễn kinh điển “đa quốc tịch” này (được viết bởi nhà viết kịch người Đức, lấy bối cảnh Trung Quốc, do người Nhật dàn dựng) hoàn toàn không dễ xem, nhưng vẫn là một bản dựng đáng xem bởi ngôn ngữ và phong cách kịch Noh riêng có trong bản dựng của người Nhật, đủ để phân biệt với những “Người tốt Tứ Xuyên” mang các “quốc tịch” khác.

Mười hai con giáp” của Nhà hát Nghệ thuật nhi đồng Bắc Kinh đến Việt Nam vào dịp 1/6, là một món quà bất ngờ và thú vị cho các khán giả nhí Thủ đô khi lần đầu tiên các em được xem một vở kịch thiếu nhi được đầu tư công phu đến vậy, không thua gì một vở kịch người lớn, trong khi món “ăn dỗ” này lại rất hay được làm quấy quá ở ta (nhất là ở Hà Nội).

Vở diễn quy tụ hơn 30 nghệ sỹ Trung Quốc và được dàn dựng bởi một cái tên nổi tiếng thế giới: Perter Wilson (Australia) - đạo diễn Lễ khai mạc Olympic Sydney 2000 và Asian Games Doha.

Mời một đoàn kịch đến từ châu Âu như TNT (Anh) sang Việt Nam và hoàn toàn bằng tiền túi cá nhân như công ty Lê Quý Dương thì còn liều mạng hơn. Để “thắt dây an toàn” cho chuyến đi xiếc dây mạo hiểm này, trước khi đón đoàn sang, vé đã được chào bán đến các trường quốc tế - nơi mà 100% học sinh đều là con em các gia đình có điều kiện và quan trọng là có nhu cầu thực vì tác phẩm (“Romeo và Juliet”) nằm trong chương trình học của các em.

Vì thế, lịch sử... Nhà hát lớn thành phố (cả ở Hà Nội lẫn Thành phố Hồ Chí Minh) lần đầu tiên mới có suất diễn lúc 11 giờ trưa (là giờ tan học của các em). Vở diễn thuyết phục ở cách bài trí sân khấu tinh tế, thông minh ở sự giản tiện, gọn nhẹ, thay vì “lấy thịt đè người” như kiểu sân khấu bục bệ hay tả thực ở ta, đủ để không làm loãng sự chú ý và góp phần làm bật nổi tài năng diễn xuất của diễn viên.

“Lẽ dĩ nhiên đây chưa phải là một bản dựng 'Romeo và Juliet' hay nhất trên thế giới nhưng ít nhất, là một 'Romeo và Juliet' 'xịn', một 'Romeo và Juliet' nguyên bản đến từ quê hương của Shakespears. Và ít nhất, chúng ta cần xem để tham khảo rằng trong cùng một điều kiện, một không gian nhà hát như nhau, nghệ sỹ nước bạn sẽ 'xoay xở' thế nào,” Đạo diễn Lê Quý Dương nói.

Nhưng mức vé 500.000 đồng liệu có quá đắt cho một tấm vé xem kịch? “Nhưng vấn đề là vở gì? Hãy đặt giả thiết, cũng vở kịch này nhưng diễn tại Anh xem, liệu bạn có đủ sức mua vé?” ông Dương nói.

Mang “Kẻ nói dối đa tình” đến Việt Nam vào lúc mà phiên bản tiếng Việt đã được dựng thành công trước đó trên sân khấu 5B, đoàn kịch Hàn Quốc lại giúp cho giới làm nghề và khán giả một cơ hội so sánh: cùng một kịch bản, một câu chuyện, có thể có những cách xử lý khác nhau như thế nào... Thêm được nhiều so sánh, lựa chọn - đó chính là đòn bẩy để kích thích sáng tạo!

“Học lỏm” ngành hàng không

Lợi ích thì ai cũng thấy rõ, nhưng vấn đề là ai sẽ dám bỏ tiền ra mời đoàn và khán giả có dám bỏ tiền ra mua vé? Bán vé kịch phụ đề ở Việt Nam là chuyện không hề dễ như Mega Star bán vé xem phim phụ đề.

Người tốt Tứ Xuyên” lúc đầu đến Việt Nam thực ra cũng tính là bán vé (dù là để làm từ thiện), nhưng sau khi “đo đếm” mức độ khó xem của vở, Nhà hát Tuổi Trẻ - đơn vị tổ chức biểu diễn đã khuyên đoàn kịch không nên bán vé, để hướng đến cái lợi: đưa vở đến được với nhiều người xem hơn.

Cũng may, chi phí để đưa vở này đến Việt Nam đã được lược giảm bớt nhờ chủ trương bài trí sân khấu đơn giản và sáng kiến đặt làm đạo cụ, cảnh trí sân khấu... tại Việt Nam.

Nhưng đến “Mười hai con giáp” của Nhà hát Nghệ thuật nhi đồng Bắc Kinh thì buộc lòng phải chở những 3,5 tấn đạo cụ và thiết bị sang vì hạ tầng Nhà hát Tuổi Trẻ chưa đủ sức đáp ứng các yêu cầu kỹ xảo của vở.

Ông Trương Nhuận - Phó Giám đốc đối ngoại Nhà hát Tuổi Trẻ cho hay: “Để chuẩn bị cho một đoàn sang thường có khi phải mất từ 1 - 2 năm cho đủ các khâu chọn vở diễn, chọn điểm diễn, chọn thời điểm. Thời điểm rất quan trọng, nếu không cháy khán giả như chơi! Không ít show những tưởng ngon ăn vẫn bị đổ lăn kềnh vì những lý do khó ai ngờ trước và tưởng chừng như không liên quan gì: Việt Nam vào chung kết SEA Games...”.

Công lênh như vậy nhưng việc “nhập nguyên chiếc” kịch ngoại cho đến nay hầu hết vẫn còn gây cảm giác “ăn một bát cháo chạy ba quãng đồng” khi sau bao công lênh để đến được Việt Nam, số suất diễn của những “món hàng nhập nguyên chiếc” này lại quá ít ỏi, chưa bõ, tựa như những màn bóng thoắt hiện, thoắt biến của “chân sút số 1” Denilson trên sân cỏ Việt Nam.

Ngay cả với những trường hợp bán vé tốt như “Mười hai con giáp” - một vở kịch thiếu nhi được dàn dựng công phu và hoành tráng - thứ “của nhà (không dễ gì) trồng được”, lại diễn ra vào dịp 1/6, nhu cầu khán giả rất cao, giá vé lại ở mức “chơi được”, vậy mà cũng chỉ diễn đúng 4 suất.

Trong khi, để mang được vở diễn này sang Việt Nam, cả hai bên đã cùng phải chung chi chừng 5 - 600 triệu, trong đó riêng tiền chuyên chở 3,5 tấn đạo cụ và thiết bị bằng đường bộ từ Bắc Kinh đến Hà Nội đã mất gần hai trăm triệu. “4 suất diễn kín ghế vì vậy cũng mới chỉ giúp gỡ lại được 20% chi phí tổ chức biểu diễn” - Ông Nhuận cho biết.

Cái khó ở chỗ hoặc anh phải tăng số lượng suất diễn, hoặc anh phải tăng giá vé. Tăng số lượng suất diễn - cái đấy cần sự tự tin hơn của nhà tổ chức khi đặt bút ký hợp đồng cũng như nhiệt tình hợp tác của bạn. Tăng giá vé, với một vở kịch thiếu nhi, lại trên một mặt bằng “ít chịu chơi” như khán giả kịch Hà Nội - không liều mà được!

“Khó mà bán được giá vé xem kịch cao ở Hà Nội, trừ phi là hài kịch sẵn có thương hiệu như “Đời cười”. Nhưng kể cả “Đời cười” thì cũng chỉ dám hét đến 80.000 đồng/vé là “kịch kim”! Nói gì đến kịch tâm lý, kịch kinh điển, kịch thiếu nhi, lại còn là kịch phụ đề!”.

Vậy mà “Romeo và Juliet” ngay cả khi ra Hà Nội vẫn liều hét giá: 500.000 đồng/vé (mức cao nhất), 2 mức còn lại là 300.000 và 150.000 đồng. Đó cũng là lý do vì sao trong 10 suất diễn tại Việt Nam, Hà Nội chỉ chiếm 3 còn 7 suất còn lại là diễn tại Thành phố Hồ Chí Minh. 10 suất diễn đã là đáng kể, để ít ra, bõ công “lội đồng” và nhân chuyến lưu diễn vòng quanh châu Á của một đoàn kịch đến từ châu Âu.

Giá vé hét cao. Hầu hết suất diễn kín ghế. Vậy mà, chung cuộc, nhà tổ chức biểu diễn, đạo diễn Lê Qúy Dương vẫn cho hay: “Hòa! Và hòa là còn may, là đã mừng!” (nhiều người trong giới trước đấy còn đoán già đoán non vụ “xài sang” này công ty Lê Quý Dương lỗ nặng là cầm chắc!).

“Đúng là nếu chỉ tính 10 suất diễn ở Việt Nam cho một chặng dài từ Anh sang Việt Nam thì lỗ là hiển nhiên, kể cả bán hết vé. Nhưng đây chúng tôi học lỏm phép toán của ngành hàng không. Tức là có những điểm đến dù không cho lợi nhuận cao, dù thậm chí phải chấp nhận lỗ, vẫn phải kiên trì và mạnh dạn kiến tạo đường bay, vì thương hiệu, vì cái tên trên bản đồ, vì cần quảng bá “năng lực phủ sóng”, nên cái lợi ở đây là không thể tính ra tiền. Rồi ra, lấy chỗ này đập chỗ kia, lãi tính bằng tiền nằm ở đó!

Với TNT cũng vậy! Trong hành trình lưu diễn tại châu Á của họ, Việt Nam chỉ là một trong những điểm đến, và cái mà họ rất thú là cứ thêm được một điểm đến có nghĩa là có thêm... một chuyến du lịch. Còn nơi họ hét giá vé cao ngất ngưởng lẽ dĩ nhiên là Nhật, là Singapore..., để chung cuộc, lấy chỗ này bù chỗ kia, thì mới là có lãi!” ông Dương nói.

“Tâm lý ngồi đợi vé mời là khá phổ biến ở giới làm nghề ở ta - trong khi còn hơn cả nhu cầu thưởng thức, với họ, còn là yêu cầu học hỏi. Khi “Romeo và Juliet” đến Việt Nam, không ít học sinh của tôi đã gọi cho tôi để hỏi xin giấy mời, tôi từ chối và bảo thẳng: “Nếu các em không mua được vé đắt, thì hãy mua hạng rẻ. Chứ chẳng có lý gì khi mình lại đòi vào xem chùa một vở kịch người ta đã cất công dàn dựng công phu đến vậy và cất công mang đến Việt Nam!

Mình làm nghệ thuật mà không có ý thức tôn trọng sức lao động của người làm nghệ thuật thì sau này đừng mong mà đòi hỏi điều ấy ở khán giả, những người bỏ tiền mua vé!” ông Dương ngán ngẩm.

Chưa quen, thì sẽ!

Không dễ tìm khán giả và cũng không mong bán vé mạnh ở Việt Nam nhưng điều đáng mừng là các đoàn từng đến Việt Nam hầu như đều hơn một lần quay trở lại hay ít nhất hẹn ngày quay lại. Đoàn kịch Nhật Bản Tokyo Engeki Ensemble chẳng hạn, với “Người tốt Tứ Xuyên” là cuộc trở lại lần 2.

Đoàn kịch TNT (Anh) sau kỷ niệm “Romeo và Juliet” tại Việt Nam cũng đã lên lịch trở lại Việt Nam vào cuối năm nay với một đầu kịch nổi tiếng không kém, vở “A Christmas Carol” của văn hào Anh danh tiếng Charles Dickens.

Đoàn kịch Hàn Quốc sau màn “so kè” giữa hai phiên bản Việt - Hàn vở “Kẻ nói dối đa tình” thậm chí còn ngỏ ý muốn lập một địa điểm diễn thường xuyên kịch Hàn Quốc tại Việt Nam. Hay đôi khi, họ lại nhận lời đến Việt Nam sau khi gặp gỡ, giao lưu tại các festival khu vực, quốc tế.

Mới nhất, sau festival sân khấu thử nghiệm quốc tế diễn ra tại Thượng Hải (Trung Quốc) vào tháng 6 vừa qua mà Lê Quý Dương được mời là tổng đạo diễn, công ty Lê Qúy Dương đã mời được 2/16 vở tham dự festival nhận lời đến Việt Nam. Đó là vở “Hanjo” (của tác giả nổi tiếng Nhật Bản Yukio Mishima, do Nhà hát Ikenoshima đến từ Tokyo dàn dựng) và “Êđip làm vua” của Nhà hát kinh kịch Trung Quốc Zhejiang Beijing Opera Troup với phần dàn dựng của hai đạo diễn tài danh người Trung Quốc Lu Ang và Weng Guosheng.

Đây được coi là hai vở gây ấn tượng mạnh nhất tại festival. Trong đó, “Hanjo” thể hiện một phong cách dàn dựng và biểu diễn hết sức mạch lạc, khúc chiết, kết hợp tinh tế các tinh hoa của sân khấu truyền thống Nhật Bản với các yếu tố hiện đại. Còn “Êđip làm vua” là một cách tiếp cận và xử lý hết sức thông minh một kiệt tác sân khấu của phương Tây nghệ thuật sân khấu kinh kịch Trung Quốc.

Một cách lạc quan, đạo diễn Lê Quý Dương cho rằng: Mời đoàn vào không khó, vấn đề là... tiền. Nếu như sẵn tiền, anh có thể mời 12 đoàn/năm, mỗi tháng một đoàn.

Và như vậy, cơ hội để được xem kịch ngoại tại Việt Nam là khá khả quan. Nhưng liệu có khả quan được mãi, nếu như khán giả không sẵn lòng bỏ tiền mua vé xem kịch phụ đề vốn là món chưa quen miệng với họ? Liệu ai dám bỏ tiền để dạy cho khán giả thói quen sang trọng ấy? “Chưa quen, thì sẽ!” - Vẫn là người ham thể nghiệm và tìm cái mới, Lê Quý Dương, tự tin./.

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục