Doanh nghiệp vẫn loay hoay trước bài toán đầu ra

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm 2012, nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước giảm 7,7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, xuất khẩu trong 5 tháng tuy tăng đến 23,8% nhưng chủ yếu lại rơi vào khối FDI. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn trong việc phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh, cũng như "bí" ở đầu ra tiêu thụ sản phẩm.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm 2012, nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước giảm 7,7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, xuất khẩu trong 5 tháng tuy tăng đến 23,8% nhưng chủ yếu lại rơi vào khối FDI.

Điều này cho thấy, các doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn trong việc phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh, cũng như "bí" ở đầu ra tiêu thụ sản phẩm.

Áp lực hàng tồn kho

Tại buổi họp báo thường kỳ trực tuyến công tác tháng Năm, do Bộ Công Thương tổ chức chiều 4/6, ông Dương Duy Hưng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công Thương cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2012 xuất khẩu tăng đến 23,8% nhưng chủ yếu lại rơi vào khối các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI), còn với các doanh nghiệp trong nước thì vẫn hết sức khó khăn.

Đơn cử, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 5.334 triệu USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ nhưng nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may về cơ bản giảm cả lượng và trị giá, trong đó bông các loại giảm 33,7% về trị giá, giảm 2,3% về lượng; xơ, sợi dệt các loại giảm 29,3% về trị giá, tăng 0,2% về lượng; vải các loại giảm 1,8% về giá trị so với cùng kỳ.

"Dù bước vào mùa cao điểm trong năm nhưng hầu hết các doanh nghiệp dệt may vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng. Các đơn hàng có xu hướng giảm giá khi các thị trường xuất khẩu chủ lực là EU và Mỹ vẫn tồn nhiều sản phẩm quần áo Đông Xuân, các nhà phân phối không nhập thêm hàng," ông Hưng nói.

Ngoài ra, các doanh nghiệp dệt may còn phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cho đầu tư phát triển, thiếu nguyên liệu sản xuất, chi phí đầu vào tiếp tục tăng cao, thuế môi trường đối với sản phẩm túi nilon dùng đóng gói hàng xuất khẩu... làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Trao đổi với ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam được biết, tìm kiếm đơn hàng đang là vấn đề mà các doanh nghiệp trong ngành này phải đối mặt. Trước đây khi vào mùa, các doanh nghiệp có thể thoải mái lựa chọn đối tác để làm nhưng nay thì ngược lại.

"Nhiều doanh nghiệp dệt may lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh, lượng đơn hàng giảm khoảng 5% so với cùng kỳ, còn doanh nghiệp nhỏ có thể thiếu hụt khoảng 10% đơn hàng," ông Hồng chia sẻ.

Tương tự đối với ngành Giấy, trong tháng Năm, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục giảm mặc dù các nhà máy bắt đầu sản xuất giấy in, viết phục vụ khai giảng năm học 2012-2013. Tính chung 5 tháng, sản phẩm giấy bìa các loại ước đạt 745,7 nghìn tấn, giảm 2,2%.

Số liệu mới nhất của Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương, đến cuối tháng 5 thì tồn kho mặt hàng Đường là 367.540 tấn; Thép thành phẩm ước 320 nghìn tấn( tăng 65 nghìn tấn so với tháng trước;); Xi măng tồn kho là 0,68 triệu tấn và clanke là 2,15 triệu tấn.

"Chỉ số tồn kho tính đến 1/05 lên đến 29,4% là cấp thiết, cần có sự chung sức của các cơ quan nhà nước, của các doanh nghiệp và toàn xã hội.," ông Dương Duy Hưng nhấn mạnh.

Giải tỏa đầu ra, đầu vào

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 năm 2012 tăng 4,4% so với tháng trước (trong đó ngành công nghiệp khai thác mỏ giảm 3,7%, ngành công nghiệp chế biến tăng 5,2%, và ngành công nghiệp sản xuất phân phối điện, gas, nước tăng 1,2%) và tăng 6,8% so với tháng 5 năm 2011.

Tính chung 5 tháng so với cùng kỳ năm 2011, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,2% (5 tháng 2011 so với cùng kỳ là 9,2%), trong đó: ngành công nghiệp khai thác mỏ tăng 2,1%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,8% và sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 14,3%.

Tuy nhiên, trong ba ngành công nghiệp trên, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng 12,6% của năm 2011.

"So với quý I năm 2012, sản xuất công nghiệp có chuyển biến, nhưng tốc độ tăng trưởng còn rất thấp so với cùng kỳ các năm trước cho thấy ngành có rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo," ông Dương Duy Hưng cho hay.

Trước tình hình trên, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp cần phải xây dựng được mối liên kết bền chặt nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất và kinh doanh.

Trong đó, việc đổi mới phương thức tiếp thị xuất khẩu, quan tâm đến việc xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm và xây dựng hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế cũng là một biện pháp để giảm hàng tồn kho.

Riêng các doanh nghiệp dệt may, việc chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới và chú trọng việc tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa, giảm dần sự phụ thuộc vào các đơn hàng gia công là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng yêu cầu doanh nghiệp tập trung nâng cao tỷ lệ làm hàng xuất khẩu theo phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm cho khách hàng), tăng sử dụng các nguyên phụ liệu tự nhiên được sản xuất trong nước đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo lao động nghề để bổ sung nguồn nhân lực cho ngành.

Để giải quyết bài toán hàng tồn kho, đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương kiến nghị, cần thực hiện nghiêm nghị quyết 13/CP nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó tập trung mạnh vào các giả pháp như tài chính, tín dụng, lãi suất...

Đặc biệt về phía doanh nghiệp, sáng kiến liên kết 3 nhà gồm nhà đầu tư, ngân hàng và nhà cung ứng vật liệu xây dựng cũng là một giải pháp mới cần được nhân rộng.

Cụ thể, ngân hàng sẽ giải ngân vốn cho các nhà cung ứng vật tư, qua đó đẩy nhanh được sản xuất cũng như giải phóng hàng tồn kho cho doanh nghiệp./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục