Dầu đảo chiều tăng

Giá dầu tăng bất chấp chiến sự Libya sắp kết thúc

Giá dầu đã đảo chiều đi lên trong phần lớn thời gian giao dịch tuần qua, bất chấp có thông tin rằng cuộc nội tại Libya đi đến hồi kết.
Giá dầu đã đảo chiều đi lên trong phần lớn thời gian giao dịch tuần qua do sự phấn chấn ban đầu về khả năng sản lượng dầu mỏ của Libya có thể quay lại mức trước chiến sự đã phải nhường chỗ cho một thực tế rằng phải mất nhiều thời gian hơn dự kiến để các cơ sở sản xuất dầu mỏ tại quốc gia Bắc Phi giàu dầu mỏ này tái khởi động.

Giá dầu thô Brent Biển Bắc tiến gần tới ngưỡng tâm lý 110 USD/thùng vào phiên 24/8 sau khi lực lượng nổi dậy Libya nói rằng họ đã giành quyền kiểm soát phần lớn thủ đô Tripoli, đồng thời tuyên bố kỷ nguyên của ông Muammar Gaddafi đã chấm dứt, làm dấy lên hy vọng rằng cuối cùng cuộc nội chiến kéo dài 6 tháng cũng đi đến hồi kết và hoạt động xuất khẩu dầu mỏ được nối lại.

Trước nội chiến, Libya sản xuất khoảng 2% tổng sản lượng dầu mỏ toàn cầu, tương đương 1,6 triệu thùng/ngày, trong đó 1,3 triệu thùng được dành cho xuất khẩu, nhưng kể từ sau đó, sản lượng liên tục sụt giảm, ảnh hưởng tới nguồn cung toàn cầu. Trữ lượng dầu mỏ của nước này đảm bảo đủ khai thác với tốc độ như vậy trong vòng 80 năm nữa.

Tuy nhiên, theo dự báo của Reuters, phải mất một năm nữa Libya mới có thể khôi phục lại sản lượng dầu mỏ ở mức 1 triệu thùng/ngày, trước khi quay lại mức trước nội chiến trong hai năm tới, trong khi những tranh cãi về việc bên nào sẽ lên nắm quyền lãnh đạo Libya có thể làm trì hoãn việc tái thiết đất nước và tiếp tục gây sức ép lên giá dầu trên thị trường thế giới.

Dầu Brent bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng chính trị tại Libya nhiều hơn dầu ngọt nhẹ New York vì Libya là nguồn cung dầu quan trọng cho thị trường châu Âu. Theo thống kê, khoảng 85% trong tổng sản lượng dầu của Libya vốn được xuất sang châu Âu cho tới khi bạo lực trong nước làm gián đoạn nguồn cung cách đây 6 tháng.

Sau nội chiến, Libya sẽ phải mất nhiều thời gian hơn dự kiến để có thể đưa các cơ sở sản xuất dầu mỏ trở lại hoạt động bình thường.

Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu tại châu Âu đang phải vất vả để thay thế loại dầu thô ngọt chất lượng cao mà Libya vẫn cung cấp cho họ từ trước thời kỳ nội chiến và thực trạng đã đã đẩy giá dầu lên cao suốt từ đầu năm tới nay.

Trong khi những thay đổi tại Libya đang tác động lên thị trường dầu Brent, thì những tác động tiềm tàng của cơn bão lịch sử Irene đối với hoạt động sản xuất dầu khí của Mỹ trên vịnh Mexico lại hỗ trợ giá dầu ngọt nhẹ.

Theo dự báo của Cơ quan Khí tượng Mỹ, cơn bão Irene đổ bộ vào vùng bờ biển miền đông nước Mỹ vào cuối tuần có sức tàn phá không kém các cơn bão Katrina và Rita. Giá dầu ngọt nhẹ New York nhích dần lên 84,12 USD/thùng hồi đầu tuần lên 85,30 USD/thùng vào giữa tuần.

Giá dầu tiếp tục đi lên về cuối tuần sau khi ông Ben Bernanke, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tuyên bố FED còn nhiều công cụ khác có thể sử dụng để thúc đẩy kinh tế Mỹ phát triển, do vậy không nhất thiết phải đề nghị Quốc hội Mỹ thông qua đợt nới lỏng có định lượng lần 3 (QE3).

Đóng cửa phiên 26/8 trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 10/2011 tăng 7 xu lên 85,37 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tăng 74 xu lên 111,36 USD/thùng./.

Hoàng Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục