Mỹ và EU thúc đẩy tái thống nhất đảo Cyprus

Mỹ và EU thúc đẩy đàm phán tái thống nhất đảo Cyprus

Mỹ và EU ngày 7/4 đã cử đặc phái viên tới Cộng hòa Cyprus nhằm thúc đẩy đàm phán tái thống nhất đảo Cyprus.
Ông Stefan Fule. (Nguồn: worldbulletin.net)
Ngày 7/4, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã cử đặc phái viên tới Cộng hòa Cyprus nhằm thúc đẩy đàm phán tái thống nhất đảo Cyprus - vấn đề chính trị phức tạp kéo dài gần 40 năm qua của quốc đảo Đông Địa Trung Hải này.
Theo kế hoạch, Ủy viên phụ trách vấn đề mở rộng và chính sách láng giềng của EU Stefan Fule và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Eric Rubin tham gia cuộc đàm phán diễn ra ngày 8/4 giữa lãnh đạo cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp và người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thúc đẩy việc đạt được các giải pháp "xây dựng lòng tin" giữa hai bên; trong đó, có việc xem xét đề xuất tái xây dựng và đưa dân cư trở lại thành phố Famagusta, nằm trên vùng lãnh thổ của cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp, bị Thổ Nhỹ Kỳ phong tỏa từ năm 1974.
Trước đó, ông Fule đã có cuộc gặp với Tổng thống Cộng hòa Cyprus được quốc tế thừa nhận Nicos Anastasiades để bàn về vai trò của EU trong việc thúc đẩy đạt được một giải pháp toàn diện cho vấn đề tái thống nhất đảo Cyprus, trong đó đề xuất tăng cường hơn nữa vai trò của phái viên EU tại Cyprus.
Trong khi đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Rubin cũng cho rằng việc đạt được các giải pháp xây dựng lòng tin giữa hai bên là động lực chính thúc đẩy đàm phán.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, sở dĩ vấn đề tái thống nhất Cộng hòa Cyprus nhận được sự quan tâm của Mỹ và EU là do Cyprus nằm ở vị trí chiến lược quan trọng và vấn đề này đã và đang tác động trực tiếp tới lợi ích của Mỹ và EU.
Sự chia cắt đảo Cyprus hiện được xem là một trong những trở ngại chính của mối quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là đối với mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU, do Cộng hòa Cyprus hiện là thành viên có quyền phủ quyết của EU. Ngoài ra, với những mỏ khí đốt tự nhiên có trữ lượng lớn mới được phát hiện, Cyprus cũng có khả năng cung cấp nguồn năng lượng thay thế cho EU trong tương lai.
Đối với Mỹ, một Cyprus tái thống nhất sẽ giúp giải quyết mâu thuẫn giữa hai thành viên NATO là Hy Lạp và Thổ Nhỹ Kỳ, tăng cường thống nhất khối và ngăn ngừa nhân tố tiềm ẩn gây bất ổn trong khu vực, nhất là trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng Mỹ-Nga sau sự kiện Crimea, cuộc xung đột Israel-Palestine, sự phát triển của các lượng Hồi giáo cực đoan đang tác động tới việc triển khai chính sách Trung Đông của Washington.
Năm 1974, lợi dụng cuộc đảo chính của người Cyprus gốc Hy Lạp theo chủ nghĩa dân tộc, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa quân chiếm đóng khu vực phía Bắc đảo Cyprus, lập nên "Cộng hòa miền Bắc đảo Cyprus," khiến cho nước này bị chia cắt làm hai.
Các bên liên quan triển khai nhiều biện pháp nhằm tái thống nhất đảo Cyprus trong thời gian qua, tuy nhiên chưa đạt được một giải pháp toàn diện cho vấn đề này.
Năm 2004, kế hoạch tái thống nhất đảo Cyprus được sự bảo trợ của Liên hợp quốc cũng đã thất bại khi 3/4 cử tri Cyprus gốc Hy Lạp bỏ phiếu phản đối trong một cuộc trưng cầu dân ý do cho rằng kế hoạch này quá "thiên vị" cho cộng đồng Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ./.
(TTXVN/VIETNAM+)

Tin cùng chuyên mục