Tổng thống Mỹ bào chữa cho chương trình nghe lén

Tổng thống Mỹ cho rằng tcác cơ quan tình báo đều tìm kiếm thêm thông tin chi tiết ngoài những gì vẫn được đăng tải trên báo chí.
Trong một nỗ lực bào chữa cho các hoạt động gián điệp nhằm vào chính các đồng minh thân cận ở châu Âu, ngày 1/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng tất cả các cơ quan tình báo trên thế giới, trong đó có cả Liên minh châu Âu (EU), thường tìm kiếm thêm thông tin chi tiết ngoài những gì vẫn được đăng tải trên các phương tiện truyền thông.

Phát biểu với báo giới trong chặng dừng chân cuối cùng tại Tanzania trong chuyến thăm châu Phi 8 ngày, Tổng thống Obama nói rằng mọi hoạt động tình báo, không chỉ của Mỹ, mà của tất cả các cơ quan tình báo châu Âu và châu Á đều nhằm hiểu thế giới hơn cũng như những gì đang diễn ra tại thủ đô các nước từ những nguồn không thể có trên các phương tiện thông tin đại chúng như tờ Thời báo New York hay trên kênh truyền hình NBC News.

Ông nhấn mạnh Mỹ sẽ liên lạc với các đối tác châu Âu để giải tỏa những quan ngại của họ sau khi nghiên cứu những cáo buộc trong bài báo đăng trên tạp chí Tấm gương (Der Spiegel của Đức về hoạt động gián điệp này, và cam kết sẽ cung cấp tất cả những thông tin mà các đồng minh châu Âu yêu cầu liên quan tới chương trình theo dõi bí mật của Mỹ.

[Dư luận châu Âu về chương trình nghe lén của Mỹ]

Tạp chí Tấm gương cuối tuần trước đã trích dẫn các tài liệu mật của Mỹ do cựu chuyên gia phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Edward Snowden - người đang bị Mỹ truy nã - tiết lộ.

Theo những tài liệu này, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) trong nhiều năm qua đã cài đặt các thiết bị nghe lén tại các văn phòng của EU ở Washington, Brussels và New York cũng như xâm nhập các mạng lưới điện toán nội bộ của EU để theo dõi các cuộc điện thoại, thư điện tử (email) và các tài liệu khác.

Danh sách các mục tiêu bị NSA nghe lén còn bao gồm các cơ quan đại diện của các đồng minh khác như Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính phủ Đức cho rằng những cáo buộc liên quan tới chương trình nghe lén của NSA tại các văn phòng của EU nếu đúng sự thật thì đó sẽ là điều "không thể chấp nhận."

Người phát ngôn của Thủ tướng Đức cho rằng hành động kiểu Chiến tranh lạnh này của Mỹ càng không thể chấp nhận trong bối cảnh Mỹ và EU là đồng minh và cần sự tin tưởng lẫn nhau để tiến tới khởi động tiến trình đàm phán về Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP).

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cho rằng việc Mỹ theo dõi những nước bạn bè và đồng minh là việc làm vượt quá giới hạn cho phép, có thể tác động nặng nề đến quan hệ EU-Mỹ. Tổng thống Pháp Francois Hollande mô tả hành động của Mỹ là "không thể tha thứ" và có thể cản trở mối quan hệ của Mỹ với Pháp nói riêng và EU nói chung.

Trong một tuyên bố nhằm làm giảm tầm quan trọng của vụ tranh cãi liên quan đến việc Mỹ theo dõi các đồng minh châu Âu, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, đang có mặt tại Brunei để dự các hội nghị của ASEAN, cũng cho rằng không chỉ Mỹ mới sử dụng các biện pháp khác nhau để bảo vệ an ninh quốc gia./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục