Khai mạc Đại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam

Đại hội IX Hội Nhà báo sẽ tổng kết hoạt động báo chí 5 năm qua và xác định giải pháp nâng cao vai trò, chất lượng báo chí thời gian tới.
Ngày 12/8, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức trọng thể Đại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2010-2015 với sự tham dự của 403 đại biểu đại diện cho gần 18.000 hội viên đang sinh hoạt trong 263 tổ chức Hội Nhà báo trong cả nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đến dự đại hội.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cùng nhiều vị lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã gửi lẵng hoa chức mừng Đại hội.

Phát biểu khai mạc Đại hội, nhà báo Đinh Thế Huynh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ Đại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ đánh giá, tổng kết các hoạt động báo chí và hoạt động của Hội trong những năm qua; khẳng định và biểu dương những thành tựu và đóng góp của báo chí Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam đối với sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đại hội cũng chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm trong hoạt động báo chí cũng như hoạt động của các cấp Hội; xác định phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao vai trò, vị trí chất lượng và hiệu quả hoạt động trong nhiệm kỳ tới.

Đại hội có nhiệm vụ lựa chọn những nhà báo xứng đáng đại diện cho giới báo chí cả nước vào Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX để nhận trách nhiệm chỉ đạo các cấp Hội Nhà báo xây dựng Hội Nhà báo Việt Nam phát triển lớn mạnh trong những năm 2010-2015.

Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định 85 năm qua, nền báo chí cách mạng Việt Nam, giới báo chí Việt Nam luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, các thế hệ nhà báo thực sự là những chiến sĩ cách mạng, những người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ để đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, trong giai đoạn sắp tới, báo chí với những khả năng và thế mạnh của mình, phải là một trong những lực lượng quan trọng đi đầu trong việc phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết nhất trí, tập trung cao độ sức người, sức của, khai thác tích cực nhất mọi tiềm năng, trí tuệ và sức sáng tạo để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020.

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm ủng hộ và tạo các điều kiện thuận lợi để báo chí phát triển, để các nhà báo phát huy tài năng sáng tạo, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, phục vụ và cống hiến nhiều nhất cho đất nước.

Với chức năng là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị-xã hội, đồng thời là diễn đàn của nhân dân, báo chí cần nỗ lực phấn đấu để góp phần nâng cao dân trí, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, cổ vũ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thay mặt Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa VIII, nhà báo Lê Quốc Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khóa VIII đã trình bày báo cáo chính trị với tựa đề: "Tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc."

Báo cáo nhận định hoạt động báo chí và hoạt động Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2005-2010 trong khoảng thời gian có nhiều sự kiện mang ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với đất nước và giới báo chí Việt Nam; đồng thời cũng là giai đoạn mà tình hình trong nước và quốc tế có những diễn biến phức tạp tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế-xã hội đất nước và hoạt động báo chí.

Tính đến tháng 12/2009, cả nước có 706 cơ quan báo chí in, gồm 178 báo in (trung ương, các ban, bộ, ngành, đoàn thể có 76 báo; các tỉnh, thành phố có 102 báo); 528 tạp chí (trung ương, các ban, bộ, ngành, đoàn thể có 414 tạp chí; địa phương 114 tạp chí); 1 hãng thông tấn quốc gia; 2 đài phát thanh, truyền hình quốc gia, 1 đài truyền hình của ngành, 64 đài phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố, trên 600 đài cấp huyện, hàng nghìn trạm truyền thanh cấp xã; 37 báo điện tử, 160 trang điện tử của các cơ quan báo chí, hàng ngàn trang thông tin điện tử...

Đài Tiếng nói Việt Nam đã phủ sóng 97,5% diện tích lãnh thổ và phủ sóng qua vệ tinh đến nhiều nước trên thế giới.

Đài Truyền hình Việt Nam phủ sóng toàn bộ lãnh thổ trong nước và phủ sóng qua vệ tinh đến nhiều khu vực ở ngoài nước. Nhiều cơ quan báo chí đã phát triển bao gồm một số loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình).

Cả nước có gần 18.000 người làm báo chuyên nghiệp được cấp thẻ nhà báo, hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, nghệ sỹ, nhân viên làm việc trong các cơ quan báo chí và hàng chục ngàn người khác là cộng tác viên, nhân viên, lao động tham gia các công đoạn viết bài, sản xuất chương trình, cung cấp thông tin, in ấn, tiếp thị, quảng cáo, phát hành và các dịch vụ khác.

So với năm 1986 - thời điểm Việt Nam bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới, số lượng các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo hiện nay tăng từ 3 đến 4 lần; nếu so với năm 2001, các chỉ số này tăng 1,3 đến 1,5 lần.

Năm 1997, mạng thông tin toàn cầu - Internet mới có mặt ở Việt Nam, nhưng đến thời điểm này, số người sử dụng Internet của Việt Nam gần bằng 30% số dân, một mức khá cao ở khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Sự ra đời và phát triển vượt bậc của báo mạng điện tử cùng với khả năng tích hợp nhiều loại hình báo chí trên một thiết bị truyền thông hiện đại tạo ra khả năng to lớn cho việc truyền tải, thu nhận thông tin của các cơ quan báo chí và công chúng báo chí cả nước.

Nhìn chung, báo chí Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về nhiều mặt, tăng loại hình và số lượng cơ quan báo chí; tăng số đầu báo, tạp chí, hệ phát thanh, kênh truyền hình, nhà in, ấn phẩm, chương trình; tăng chất lượng nội dung, hình thức và hiện đại hóa công nghệ in ấn, truyền tải thông tin; tăng số lượng, phạm vi phát hành, phạm vi phủ sóng; tăng số lượng nhà báo và đội ngũ những người làm việc trong các cơ quan báo chí; tăng số lượng công chúng báo chí cả ở trong nước và ngoài nước; tăng nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật của hệ thống báo chí.

Bằng các hình thức, phương pháp, thể loại phong phú, các cơ quan báo chí đã phản ánh kịp thời mọi mặt của đời sống xã hội, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, phát hiện, cổ vũ các nhân tố, điển hình tiên tiến, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của nhân dân với sự nghiệp Đổi mới.

Các ấn phẩm báo chí đã giới thiệu nhiều tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật có giá trị, đáp ứng nhu cầu thông tin, văn hóa của nhân dân; đồng thời tham gia tích cực, có trách nhiệm, hiệu quả trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội, phanh phui các vụ tiêu cực.

Hệ thống báo chí cũng có đóng góp quan trọng vào công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại.

Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại một số hạn chế của báo chí hiện nay là một số cơ quan báo chí và nhà báo còn thiếu nhạy bén chính trị, chưa thực hiện tốt tôn chỉ mục đích, để lọt thông tin không trung thực, giật gân...

Một số cơ quan báo chí chậm đổi mới nội dung và hình thức, chưa hấp dẫn, hiệu quả tuyên truyền không cao. Một số báo, đài có xu hướng mở thêm ấn phẩm phụ, thêm chương trình theo hướng xã hội hóa nhưng chưa quản chặt nội dung và chất lượng. Hiện tượng khai thác chương trình nước ngoài với tỷ lệ cao, thiếu chọn lọc còn xảy ra...

Đại hội tiếp tục làm việc trong chiều 12/8 với việc thảo luận các nội dung quan trọng, phương hướng công tác nhiệm kỳ tới, thông qua Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam (sửa đổi) và công bố Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX nhiệm kỳ 2010-2015./.

Hoàng Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục