Cổ phần hóa Agribank

Sẽ tiến hành cổ phần hóa ngân hàng lớn nhất VN

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn VN sẽ được CPH vào thời điểm thích hợp và đảm bảo Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Ngân hàng lớn nhất Việt Nam-Agribank sẽ được thực hiện cổ phần hóa vào thời điểm thích hợp, nhưng vẫn phải đảm bảo Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

Đây là một trong những nội dung chính của Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015" vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng để đến năm 2020 phát triển được hệ thống các tổ chức tín dụng đa năng.

Đề án nêu rõ, nâng cao vai trò, vị trí chi phối của các ngân hàng thương mại nhà nước; bảo đảm các ngân hàng thương mại nhà nước thật sự là lực lượng chủ lực, chủ đạo của hệ thống các tổ chức tín dụng, có quy mô lớn, hoạt động an toàn, hiệu quả và có năng lực quản trị tiên tiến, khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2015 hình thành được 1-2 ngân hàng thương mại nhà nước đạt trình độ khu vực về quy mô, quản trị, công nghệ và khả năng cạnh tranh.

Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước, nhưng vẫn phải đảm bảo Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Phấn đấu đạt tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại nhà nước dưới 3% theo tiêu chuẩn phân loại nợ và chuẩn mực kế toán của Việt Nam. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các phương thức huy động vốn; kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp với nguồn vốn về quy mô và cơ cấu kỳ hạn; từng bước giảm tỷ lệ dư nợ tín dụng so với vốn huy động về mức không quá 90% đến năm 2015.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng tài chính, hoạt động và quản trị, đặc biệt là chất lượng tài sản, công nợ, vốn tự có và mức độ an toàn của tổ chức tín dụng (tổ chức tín dụng), các tổ chức tín dụng sẽ được phân loại thành 3 nhóm (tổ chức tín dụng lành mạnh; tổ chức tín dụng thiếu thanh khoản tạm thời và tổ chức tín dụng yếu kém) để có biện pháp xử lý thích hợp. Tổ chức tín dụng cần có phương án cơ cấu lại phù hợp với mức độ rủi ro, yếu kém và điều kiện cụ thể của tổ chức tín dụng. Nội dung cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém bao gồm: Lành mạnh hóa về tài chính, cơ cấu lại hoạt động, cơ cấu lại hệ thống quản trị, cơ cấu lại pháp nhân và sở hữu.

Đề án cũng đưa ra giải pháp cơ cấu lại 3 nhóm tổ chức tín dụng trên, trong đó đối với các tổ chức tín dụng yếu kém, Ngân hàng nhà nước Việt Nam tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng thiếu thanh khoản trên cơ sở hồ sơ tín dụng có chất lượng tốt với mức tối đa tương đương vốn điều lệ của tổ chức tín dụng được tái cấp vốn. Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng yếu kém phải chịu sự giám sát đặc biệt một cách chặt chẽ, toàn diện của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về quản trị, điều hành, tài chính và hoạt động.

Sau khi áp dụng các biện pháp bảo đảm khả năng chi trả, tổ chức tín dụng yếu kém được sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở tự nguyện. Nếu không thể thực hiện một cách tự nguyện, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ áp dụng các biện pháp sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở bắt buộc đối với tổ chức tín dụng yếu kém./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục