Algeria có thể sẽ hỗ trợ chiến dịch quân sự ở Mali

Algeria có thể không trực tiếp tham gia can thiệp mà hỗ trợ về hậu cần (tình báo, tiếp tế) cho Lực lượng gìn giữ hòa bình ở Bắc Mali.
Thủ tướng lâm thời Mali Modibo Diarra ngày 13/6 đã rời Algeria kết thúc chuyến thăm hai ngày theo lời mời của người đồng cấp nước này, Ahmed Ouyahia, nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Mali.

Hai bên đã thảo luận tình hình an ninh ở Mali và dải Sahel trong bối cảnh cuộc khủng hoảng không có lối thoát trong khi các tổ chức khu vực quyết định yêu cầu Liên hợp quốc ủng hộ can thiệp quân sự để khôi phục toàn vẹn lãnh thổ Mali. Đây là chuyến thăm Algeria đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao Mali kể từ sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống Amadou Toumani Touré ngày 22/3.

Từ đó đến nay, Chính phủ Algeria một mặt giữ lập trường không can thiệp vào công việc nội bộ của nước láng giềng và yêu cầu khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Mali, mặt khác tăng cường tiếp xúc với các nước có liên quan trong vùng và trên thế giới, đặc biệt là Pháp và Mỹ. Algeria luôn phản đối sự can thiệp của nước ngoài vào Mali và cho đó là việc của các nước trong khu vực.

Theo giới quan sát, Chính phủ Algeria có thể phải điều chỉnh lập trường trong những ngày tới. Ngoại trưởng Niger Mohamed Bazoum đã lên tiếng phê phán Algeria không kích hoạt Ban tham mưu tác chiến hỗn hợp (CEMOC) để giúp tháo ngòi nổ tình hình trong vùng. Áp lực gia tăng đối với Algeria sau khi Liên minh Châu Phi yêu cầu Liên hợp quốc ủng hộ giải pháp này và không loại trừ khả năng Algeria buộc phải tham gia chiến dịch quân sự nếu các nước châu Phi được bật đèn xanh.

[Mali đã bác bỏ việc thành lập "Nhà nước Hồi giáo"]

Tạp chí "Jeune Afrique" ngày 13/6 cho biết Algeria có thể sẽ không trực tiếp tham gia can thiệp mà hỗ trợ về hậu cần (tình báo, vận chuyển quân và trang thiết bị, tiếp tế) cho Lực lượng gìn giữ hòa bình của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi ở Bắc Mali, qua cầu hàng không từ các sân bay ở Tamanrasset và Reggane.

Cùng ngày, Chính phủ Mali đã quyết định thành lập Ủy ban quân sự hỗ trợ quân đội và an ninh ở Mali với nhiệm vụ cải thiện điều kiện sống và làm việc của lực lượng vũ trang trong bối cảnh một chiến dịch can thiệp quân sự đang hình thành nhằm giải phóng vùng Bắc Mali khỏi các nhóm vũ trang chiếm đóng.

Tạp chí "Focus" cho biết Hội đồng Bộ trưởng Mali cùng ngày thông qua dự luật thành lập ủy ban nói trên trong khuôn khổ thỏa thuận khung được ký giữa Ủy ban quốc gia khôi phục dân chủ và nhà nước và Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Mali./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục