Xác định vị trí việc làm, biên chế sẽ “phình” lên?

Xóa bỏ hoàn toàn cơ chế “xin-cho,” khắc phục tình trạng thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu, đánh giá đúng năng lực của công chức, viên chức… là những kỳ vọng của Đề án thí điểm xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức. Tuy nhiên, việc "đánh giá, xác định" này vẫn còn nhiều vướng mắc. Để làm rõ các vấn đề, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn.
Xóa bỏ hoàn toàn cơ chế “xin-cho,” khắc phục tình trạng thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu, đánh giá đúng năng lực của công chức, viên chức, góp phần đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức, xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, năng động , nhưng vẫn đảm bảo tính ổn định… là những kỳ vọng của Đề án thí điểm xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức.

Song, theo đánh giá của nhiều bộ, ngành, địa phương, dù mới ở giai đoạn sơ khai, nhưng xác định vị trí việc làm đã nảy sinh không ít vướng mắc.

Phóng viên TTXVN đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn về những vấn đề liên quan.

- Thưa Thứ trưởng, những khó khăn, vướng mắc và vấn đề gì cần lưu ý khi triển khai xác định vị trí việc làm?

* Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Việc xác định vị trí việc làm là một bước chuyển từ quản lý đội ngũ cán bộ, công chức theo hệ thống chức nghiệp sang quản lý đội ngũ cán bộ, công chức trên cơ sở kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh với vị trí việc làm. Đây là một điểm rất quan trọng, thông qua đó có thể xóa bỏ hoàn toàn cơ chế “xin-cho,” xóa bỏ việc không phân định được rõ người làm tốt với người làm chưa tốt, việc tuyển dụng được đảm bảo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức để phục vụ người dân.

Xác định vị trí việc làm là vấn đề mới và khó, cần có quyết tâm chính trị rất cao bởi sẽ gặp rất nhiều trở ngại liên quan đến lối mòn về tư duy, những suy nghĩ của cách quản lý trước đây. Chúng ta phải chuyển sang cách quản lý mới, trong quá trình triển khai vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm của các nước cũng như rút kinh nghiệm để đảm bảo xác định rõ vị trí việc làm trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị. Khi triển khai, phải có sự cộng tác, phối hợp chặt chẽ của bản thân mỗi cán bộ, công chức với cơ quan có thẩm quyền triển khai xác định vị trí việc làm, từ đó xác định rõ các vị trí việc làm trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, vừa đảm bảo phù hợp với thực tiễn, vừa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đã được giao. Vị trí việc làm ấy mới phản ánh được những vị trí cần xác lập tại mỗi cơ quan, đơn vị để giúp người lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức năng được cấp có thẩm quyền giao.

- Có người kiêm nhiệm rất nhiều công việc, vậy xác định vị trí việc làm của họ như thế nào thưa Thứ trưởng?


* Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Việc kiêm nhiệm là rất tốt. Trong vị trí việc làm có ba loại: Mỗi vị trí có một người đảm nhiệm, có vị trí có thể do hai hoặc nhiều người đảm nhận, có vị trí kiêm nhiệm. Nếu các vị trí có thể kiêm nhiệm được tôi nghĩ chúng ta cũng nên xác định rõ để khuyến khích người có thể kiêm nhiệm được nhận thêm các vị trí đó và đây cũng là một trong những giải pháp để góp phần thực hiện tinh giản biên chế, giảm bớt số lượng người làm việc trong mỗi cơ quan.

- Cũng có những người vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi, lo bị “tụt hạng” nên không muốn xác định vị trí việc làm, ông nghĩ gì về vấn đề này?


* Thứ trưởng Trần Anh Tuấn:
Vì thế chúng ta phải bổ sung thêm các giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức để mỗi cá nhân thấy được trách nhiệm của mình trong việc triển khai xác định vị trí việc làm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, tổ chức nhà nước, cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Nếu vượt qua được lợi ích, những quyền lợi của mình khi xác định vị trí việc làm có thể mất đi thì mới có tác dụng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức thiết thực, hiệu quả nhất.

- Việc dự kiến số lượng cán bộ công chức sau khi xác định vị trí việc làm có vẻ chưa rõ ràng, nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ tiếp tục dẫn đến tình trạng thừa cán bộ, công chức, gây cồng kềnh. Theo Thứ trưởng phải giải quyết vấn đề này như thế nào?

* Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Đây là xác định vị trí việc làm chứ chưa phải là nội dung xác định về biên chế. Vì thế, khi xác định vị trí việc làm xong phải có dự kiến số lượng biên chế và số lượng biên chế theo vị trí việc làm phải thể hiện được tính năng động, có nghĩa là nó không khuôn chặt vào số lượng cụ thể bởi biên chế để đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm còn phụ thuộc vào tổ chức lao động khoa học, khối lượng công việc, đối tượng và phạm vi quản lý của các cơ quan tổ chức đó. Biên chế ở trong quá trình xác định vị trí việc làm mới là dự kiến.

- Thưa Thứ trưởng, việc xác định vị trí việc làm này có mối quan hệ nào với Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức?

* Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Xác định vị trí việc làm là một trong những giải pháp của Đề án tinh giản biên chế mà Bộ Nội vụ đang thực hiện. Qua xác định vị trí việc làm sẽ xác định được rõ, đủ, đúng, cần thiết số người làm việc trong mỗi cơ quan tổ chức, đơn vị. Trên cơ sở đó xác định rõ những vị trí, những người không nhất thiết phải bố trí vào trong các cơ quan đó. Đó là giải pháp để góp phần tinh giản biên chế. Ở đây, tinh giản biên chế không chỉ đơn thuần là giảm về số lượng người, mà còn góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, tuyển vào hệ thống công vụ những người đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu của mỗi vị trí việc làm.

- Sau khi xác định vị trí việc làm, nhiều nơi sẽ “phình” biên chế. Trong trường hợp xác định vị trí việc làm mà tăng biên chế thì Bộ Nội vụ có giải quyết phần tăng thêm đó không? Những vị trí dôi dư có điều chuyển hay tiếp tục giữ nguyên, thưa ông?


* Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Phải nghĩ một cách biện chứng là xác định vị trí việc làm có thể số định biên tăng lên, có thể giảm đi, nhưng số lượng người đó là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc, phạm vi quản lý của đơn vị đó. Nếu nghĩ một chiều nó giảm đi thì đó là kỳ vọng hơi phiến diện.

Về mặt nguyên lý chung, xác định vị trí việc làm để xác định đủ số lượng người làm việc, phù hợp với chức năng nhiệm vụ, khối lượng công việc và phạm vi quản lý. Có những cái cần phải giảm thì xác định vị trí việc làm để quy định rõ khối lượng công việc mà một vị trí phải đảm nhận. Không phải xác định vị trí việc làm trong tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị đều nhằm một mục tiêu giảm biên chế. Nếu thấy số lượng quá nhiều, nhiều người không làm việc thì phải xác định vị trí việc làm để đưa số lượng người đó bố trí việc khác.

Biên chế tăng hay giảm phải phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đừng nghĩ tăng lên đã là không phù hợp hoặc cứ nghĩ giảm đi là phù hợp. Phải có cái nhìn khách quan, công bằng trong việc xác định vị trí việc làm để dự kiến số lượng người làm việc. Xác định lượng người làm việc rồi, vị trí việc làm đó là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền giao chứ không phải là quyết định để giao biên chế, nó hoàn toàn khác nhau.

- Nhưng cơ sở nào để điều chuyển được thưa ông? Chẳng hạn trước đây một người đang quản lý 5 xã nhưng thực hiện chuyên quản, phải mất 5 người để phụ trách 5 xã thì sao?


* Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Người cán bộ công chức đó phải tự kê lên công việc của mình. Quản 1 xã anh làm những việc gì? Quản 5 xã anh làm những việc gì? Thời gian làm là bao nhiêu lâu? Từ đó thể hiện rõ anh nói có đúng không. Sau đó, người đứng đầu cơ quan quản lý có thẩm quyền tiến hành xác định lại, căn cứ chức năng nhiệm vụ của đơn vị đó, cộng với bản kê khai của công chức để tham khảo, phân nhóm rồi mới sắp xếp vị trí việc làm. Không phải cán bộ, công chức kê khai thế nào là áp theo như vậy. Phần kê khai chỉ là căn cứ để xác định xem vấn đề phân công công việc đã phù hợp với trình độ, năng lực của họ chưa. Họ chưa làm hết sức hay làm quá nhiều, đó mới là cái quan trọng.

- Có ý kiến cho rằng người lãnh đạo chủ yếu là đi hội họp, công việc của người đó phải do người khác đảm nhiệm, vậy xác định vị trí việc làm phải xử lý vấn đề này như thế nào?

* Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Người ta hay nói là thiếu lãnh đạo, phải bổ sung lãnh đạo để đi họp, đó là một tư duy sai và tôi không bao giờ đồng tình với quan điểm đó. Không phải đi họp là đi chơi, họp hành cũng chính là đi làm việc. Đi họp là để trao đổi, thảo luận những vấn đề đang vướng mắc, để giải quyết công việc và chính nó lại thúc đẩy giải quyết công việc ở cơ quan tốt hơn.

- Vị trí việc làm ở cấp huyện sẽ không cần có chuyên viên cao cấp nhưng thực tế hiện nay huyện cũng có chuyên viên cao cấp, vấn đề này được giải quyết như thế nào trong thời gian tới. Như vậy có tiếp tục luân chuyển chuyên viên cao cấp từ tỉnh về huyện nữa hay không, thưa ông?

* Thứ trưởng Trần Anh Tuấn:
Vị trí việc làm và công tác cán bộ là hai vấn đề rành mạch, không liên quan đến nhau, không hề mâu thuẫn với nhau. Căn cứ vào mức độ phức tạp, trình độ năng lực của người đáp ứng yêu cầu đó để xác định vị trí việc làm mới quy ra được vị trí ấy thì ngạch nào là phù hợp, không phải quy định “cứng” là ở huyện chỉ đến chuyên viên chính. Một người đang là giám đốc Sở luân chuyển về làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, tự nhiên từ chuyên viên cao cấp phải xuống chuyên viên chính là không đúng. Việc luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thì bình thường cái gì người ta đang có người ta phải được giữ lại. Tôi nghĩ việc đó cần phải có nghiên cứu để đảm bảo trong công tác luân chuyển phải bảo vệ được quyền lợi, lợi ích và có chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, chứ không phải luân chuyển về rồi lại làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ, có vậy mới khuyến khích được.

- Nghị định 41/2012/NĐ-CP quy định ngày 20/7 hàng năm phải gửi đề án vị trí việc làm về Bộ Nội vụ. Như vậy chỉ còn 20 ngày để các Bộ, ngành, địa phương triển khai công việc này trong khi hiện chúng ta mới bắt đầu thí điểm, điều này có phải là “làm khó” cho các cơ quan, tổ chức không thưa ông?

* Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Vị trí việc làm là một vấn đề mới, chúng ta không kỳ vọng làm trong một chốc, một lát. Nó đòi hỏi một quá trình và sự cố gắng của các bộ, ngành, địa phương. Trong quy định ghi là 20/7 hàng năm chứ không phải của năm nay nên có thể năm nay chưa làm kịp được thì có thể sang năm sẽ gửi về. Theo kết luận của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI thì biên chế cơ bản từ nay đến năm 2016 chúng ta sẽ giữ ổn định, vì thế sẽ tập trung vào xác định vị trí việc làm, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức./.

- Trân trọng cảm ơn ông!/.


Chu Thanh Vân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục