Bạo lực vẫn thách thức tiến trình hòa bình Darfur

Xung đột bạo lực giữa quân chính phủ với các nhóm chiến binh ở Darfur xảy ra làm dân thường bị chết và bị đẩy khỏi nơi cư trú.
Bất chấp một số tiến bộ đã đạt được, xung đột bạo lực giữa quân chính phủ với các nhóm chiến binh ở Darfur vẫn xảy ra, dân thường vẫn bị chết và bị đẩy khỏi nơi cư trú, trong khi các nhân viên cứu trợ nhân đạo tiếp tục bị tấn công.

Tuyên bố trên được ông Ibrahim Gambari, người đứng đầu Phái bộ hỗn hợp của Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi (UNAMID) ở khu vực Darfur, miền Tây Sudan đưa ra tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình ở khu vực này.

Cũng tại phiên họp trên, ông Gambari cho biết kể từ tháng 2/2003 đến nay, xung đột và bạo lực ở khu vựcDarfur đã cướp đi sinh mạng của khoảng 300.000 người và đẩy 2,7 triệu người phải đi sơ tán và lánh nạn. Tình hình an ninh và bảo vệ thường dân tuy đã được cải thiện chút ít, nhưng hàng loạt thách thức bất ổn vẫn tồn tại.

Tiến trình hòa bình Doha (Qatar), do Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi đồng bảo trợ, tuy đã đạt được một số tiến bộ nhưng bầu không khí không tin cậy lẫn nhau vẫn bao trùm và nhiều bên liên quan vẫn chưa tham gia tiến trình này.

Ông Gambari cho biết giao tranh giữa quân chính phủ và các nhóm chiến binh lại tái diễn, gây nhiều thương vong cho thường dân, đẩy nhiều cộng đồng dân cư phải rời khỏi nơi cư trú và cản trở nỗ lực cứu trợ nhân đạo. Ông kêu gọi các bên liên quan tạo điều kiện cho UNAMID và các tổ chức nhân đạo tiếp cận các khu vực có giao tranh để cứu trợ thường dân. Ông cho biết các nhân viên Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo vẫn đang là mục tiêu tấn công và là nạn nhân của nhiều hành vi tội ác.

Trong báo cáo gửi Hội đồng bảo an, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi tất cả các bên tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn và trở lại bàn đàm phán tại Doha ngay lập tức nhằm đạt được một giải pháp toàn diện cho vấn đề Darfur.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng cho biết UNAMID hiện vẫn còn thiếu nhiều trang bị thiết yếu để nâng cao năng lực hành động của các đơn vị quân đội và cảnh sát của Liên hợp quốc. Số quân nhân của UNAMID hiện đã đạt 22.000, trong tổng số 26.000 quân mà Hội đồng bảo an cho phép triển khai, nhưng máy bay trực thăng quân sự và máy bay trinh sát vẫn chưa được cung cấp đầy đủ.

Ông Ban Ki-Moon nêu rõ điều quan trọng lúc này là phải tạo môi trường thuận lợi cho người tị nạn và người sơ tán trở về. Ông cho rằng khoảng 2,3 triệu người sơ tán đang sống trong các khu lều trại tạm thời có thể trở thành "bom nổ chậm," như đã xảy ra ở Lebanon và Dải Gaza./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục