Phụ nữ Đông Nam Á và cuộc chiến chống tham nhũng

Hội nghị Khu vực Đông Nam Á diễn ra tại Jakarta, Indonesia đã kêu gọi sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ vào cuộc chiến tham nhũng.
Hội nghị Khu vực Đông Nam Á diễn ra ngày 19/3 tại Jakarta, Indonesia đã kêu gọi sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ vào các chương trình xóa bỏ tham nhũng.

Tuyên bố trên đã được khoảng gần 100 đại biểu tham dự, bao gồm các quan chức chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự đến từ các nước Indonesia, Campuchia, Timor Leste, Lào, Malaysia, Philippines và Việt Nam nhất trí thông qua .

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thư ký Liên minh Phụ nữ Indonesia, Dian Kartikasari nhấn mạnh rằng đã đến lúc cho phụ nữ trở nên chủ động và tích cực hơn trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, bởi chính phụ nữ và trẻ em là những người đầu tiên bị ảnh hưởng tiêu cực của tệ nạn này, chưa kể tham nhũng còn tạo ra một hiệu ứng dây truyền đối với người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em.

Theo bà Dian Kartikasari, tham nhũng không chỉ gây thiệt hại về vật chất, tinh thần mà còn cả về con người, bởi đây là một trong những tác nhân góp phần làm tăng tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh, ảnh hưởng đến phúc lợi của người dân và an sinh xã hội.

Trong khi đó, bà Monica Tanuhandaru, quan chức cấp cao Văn phòng Liên hợp quốc về tội phạm và Ma túy (UNODC) Indonesia nêu rõ tham nhũng là một rào cản lớn trong xóa đói giảm nghèo, thực hiện các quyền con người và quản lý nhà nước dựa trên các nguyên tắc quản trị tốt, bao gồm minh bạch, dân chủ và trách nhiệm.

Bà Monica Tanuhandaru lưu ý loại trừ tham nhũng là một cuộc chiến bền bỉ, khó khăn và lâu dài, bởi tham nhũng không chỉ phổ biến, có hệ thống mà còn liên quan đến những người có chức có quyền, hoạch định và ra quyết định chính sách, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công và doanh nghiệp.

Hội nghị đã thông qua Kế hoạch hành động, sẽ được trình lên Hội nghị Nhóm cấp cao Liên Hợp quốc (HKP), sẽ diễn ra tại Bali, Indonesia vào ngày 24/3 tới.

Trong đó hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục phòng chống tham nhũng; hành động chung nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về các giá trị của sự trung thực, sự thật và minh bạch; sự tham gia của phụ nữ cấp cơ sở trong quá trình tham vấn xây dựng chính sách phát triển và chương trình chống tham nhũng; sự phát triển của các cơ quan giám sát về chống tham nhũng ở tất cả các cấp, và tăng cường công lý, bình đẳng giới ở tất cả các cấp như một phần của nỗ lực chống tham nhũng./.

Việt Tú/Jakarta (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục