Hội thảo kinh nghiệm phát triển Hợp tác xã nghề cá

Kinh nghiệm phát triển Hợp tác xã nghề cá thế giới và Việt Nam là chủ đề chính được đưa ra tại cuộc Hội thảo diễn ra tại Đà Nẵng.
Kinh nghiệm phát triển Hợp tác xã nghề cá thế giới và Việt Nam là chủ đề chính được đưa ra tại cuộc Hội thảo diễn ra tại thành phố Đà Nẵng trong ngày 15/6.

Hội thảo do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đăng cai tổ chức với sự tham dự của Tổ chức Hợp tác xã Nghề cá Quốc tế, các nước và vùng lãnh thổ có sự phát triển mạnh về ngành thủy sản...

Hội thảo đã tập trung trao đổi những kinh nghiệp về việc làm thế nào để duy trì và phát triển mô hình Hợp tác xã thuỷ sản, đồng thời được nghe các tham luận của các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippin và Tổng Cục thuỷ sản Việt Nam, Hợp tác xã thuỷ sản Hùng Mạnh- Hà Tĩnh...

Phát biểu khai mạc của ông Lee Jong Koo, Chủ tịch Tổ chức Hợp tác xã Nghề các Quốc tế (ICFO) đánh giá cao việc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đăng cai tổ chức Hội thảo lần này và nhấn mạnh: Hội thảo quốc tế về các kinh nghiệm phát triển Hợp tác xã nghề cá và ngành thuỷ sản sẽ cung cấp một diễn đàn đề ra các kế hoạch phát triển nghề cá và cung cấp cơ hội cho các đại biểu nhận thức rõ hơn về các nguyên tắc Hợp tác xã; Phát triển các Hợp tác xã thông qua giáo dục và hợp tác giữa các Hợp tác xã. Hội thảo cũng là cơ hội tốt để vượt qua những khó khăn, thách thức mà nghề cá đang phải đối mặt và gợi ý ra cách để phát triển nghề cá bền vững...

Theo Tổ chức Hợp tác xã Nghề các Quốc tế, các Hợp tác xã nghề cá đã và đang cố gắng cải thiện vị thế xã hội, bảo vệ quyền lợi và lợi ích của những ngư dân thông qua thực hiện các nguyên tắc Hợp tác xã; tự lực, dân chủ và bình đẳng. Bằng việc cung cấp nguồn hải sản an toàn cho cộng đồng, các Hợp tác xã đã tích cực làm việc để giúp cân bằng phát triển kinh tế quốc dân. Mặc dù có những kết quả như vậy, ngành thuỷ sản thế giới vẫn đang phải đối mặt với những khủng hoảng về ô nhiễm nước biển, giá dầu tăng cao, sụt giảm nhanh chóng các nguồn tài nguyên và sự ấm lên toàn cầu. Do vậy, Hợp tác xã nghề cá cần phải hợp tác lại với nhau bằng cách chia sẻ những kinh nghiệm và các kiến thức để cùng nhau đương đầu với những thách thức đó.

Việt Nam là một quốc gia biển, với chiều dài bờ biển trên 3.200km, diệc tích vùng đặc quyền kinh tế trên 1 triệu km2 là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển, đặc biệt là phát triển thuỷ sản. Từ năm 1985 đến nay, ngành Thuỷ sản liên tục tăng trưởng với tốc độ cao theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, gắn sản xuất với thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên các vùng biển.

Năm 2011, tổng sản lượng thuỷ sản cả nước đạt 5,3 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt trên 6,1 tỷ USD và tạo việc làm cho khoảng gần 5 triệu người. Để đạt được những kết quả này có phần đóng góp quan trọng của công tác chỉ đạo hướng dẫn sản xuất trong khai thác thuỷ sản, đặc biệt là việc phát triển khai thác hải sản gắn với kết hợp bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển, sản xuất theo mô hình tổ, đội, hợp tác xã.

Số lượng tàu thuyền khai thác hải sản tăng nhanh, tàu thuyền thủ công giảm dần. Công suất bình quân/tàu tăng nhanh. Sản lượng khai thác hải sản 10 năm qua tăng bình quân 3,8%/năm. Trình độ khai thác hải sản có bước phát triển nhanh, nhất là từ khi có chủ trương đẩy mạnh khai thác xa bờ. Trên thực tế, đã thay thế dần những phương tiện đánh bắt nhỏ, lạc hậu bằng các phương tiện đánh bắt có công suất lớn, trang bị hiện đại. Đã có bước chuyển từ nghề cá thủ công quy mô nhỏ, hoạt động chủ yếu ở vùng biển ven bờ, sang khai thác vùng gần bờ và xa bờ.

Trong khai thác và dịch vụ hậu cần đã hình thành các hình thức tổ chức hợp tác mới (Tổ khai thác xa bờ, Tổ dịch vụ, Liên tập đoàn khai thác và dịch vụ, Tổ đội đòan kết sản xuất trên biển, hợp tác xã...), có sự phối hợp với các doanh nghiệp chế biến làm nòng cốt trong khai thác, tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân ở một số vùng, tạo điều kiện phát huy năng lực của các thành phần kinh tế thực hiện theo cơ chế thị trường.

Hiện nay, cả nước có khoảng trên 4.200 tổ, đội sản xuất trên các vùng biển xa bờ với trên 25.200 tàu thuyền tham gia, chủ yếu các tàu cá làm nghề câu, rê, vây, kéo...các địa phương hình thành được nhiều tổ đội như Thanh Hoá, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định, Bến Tre, đặc biệt tại Đà Nẵng các tổ, đội khai thác ở vùng biển ven bờ đã kết hợp được với công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.../.

Văn Sơn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục