Mỹ chỉ trích Quốc hội phong tỏa viện trợ Palestine

Ngày 3/10, chính quyền Mỹ chỉ trích việc Quốc hội nước này phong tỏa 200 triệu USD trong khoản viện trợ kinh tế dành cho Palestine.
Ngày 3/10, các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ đã lên tiếng chỉ trích việc Quốc hội nước này phong tỏa 200 triệu USD trong khoản viện trợ kinh tế mà Washington dành cho Palestine nhằm đáp lại việc Palestine đệ đơn gia nhập Liên hợp quốc.

Phát biểu tại Washington, người phát ngôn Nhà Trắng, bà Victoria Nuland cho rằng khoản tiền viện trợ trên không chỉ phục vụ lợi ích của người Palestine mà cả lợi ích của Mỹ và Israel, vì vậy bà mong rằng lệnh này sẽ sớm được dỡ bỏ.

Theo bà Nuland, số tiền trên sẽ hỗ trợ tiến trình thành lập và củng cố các thể chế của Nhà nước Palestine tương lai, tăng cường ổn định và an ninh trong khu vực.

Cùng ngày, trong chuyến công du Trung Đông lần đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Leon Panetta cũng lên tiếng chỉ trích quyết định nói trên của các nghị sỹ Mỹ.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak ở Tel Aviv, ông Panetta cho rằng hiện không phải là thời điểm thích hợp để phong tỏa tiền viện trợ cho Palestine.

Liên quan đến tiến trình hòa bình Trung Đông, người đứng đầu Lầu Năm Góc đã kêu gọi Israel và Palestine đưa ra những quyết định táo bạo để nối lại đàm phán hướng tới mục đích xây dựng hai nhà nước độc lập cùng chung sống hòa bình.

Ông nhấn mạnh :"Không có giải pháp thay thế nào khác, hơn nữa chúng ta không mất gì khi ngồi vào bàn đàm phán." Trong cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Jerusalem, Bộ trưởng Panetta tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với an ninh của Israel.

Về phần mình, ông Netanyahu tiếp tục kêu gọi nối lại đàm phán với Palestine mà không có điều kiện tiên quyết.

Cùng ngày, Bộ trưởng Panetta đã có cuộc gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Ramallah, thuộc Bờ Tây.

Theo trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erekat, tại cuộc gặp này Tổng thống Abbas đã đánh giá cao quan điểm của Mỹ ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Trung Đông, và tái khẳng định sẵn sàng nối lại đàm phán hòa bình với Israel nếu Tel Aviv đồng ý ngừng mở rộng khu định cư Do Thái tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine và chấp nhận đường biên giới năm 1967 là cơ sở cho các cuộc đàm phán.

Ông Erekat nhấn mạnh: "Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là một thông điệp quan trọng cho thấy không có sự đoạn tuyệt giữa chính quyền Mỹ và Chính quyền Dân tộc Palestine."

Chuyến thăm Trung Đông của ông Panetta diễn ra sau khi Thủ tướng Israel ủng hộ lời kêu gọi của nhóm "Bộ Tứ" về việc nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp Israel-Palestine.

Sau các chặng dừng chân ở Israel và Palestine, ông Panetta sẽ ghé qua Ai Cập trước khi tới Brussels (Bỉ) dự hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong một diễn biến liên quan, dự kiến nhóm "Bộ Tứ" - gồm Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc - sẽ nhóm họp vào cuối tuần này nhằm thảo luận cách thức đưa Israel và Palestine trở lại bàn đàm phán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục