Vẫn nhập nhằng bài toán lợi nhuận và phi lợi nhuận

Việc xác định trường vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận sẽ quyết định “hầu bao” của từng trường do Nhà nước sẽ có ưu đãi khác nhau.
Việc xác định loại hình trường là vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận sẽ quyết định “hầu bao” của từng trường do Nhà nước sẽ có những chính sách khác nhau, theo hướng hỗ trợ nhiều hơn cho trường hoạt động phi lợi nhuận.
Vì thế, dễ hiểu khi đây là vấn đề nóng được nhiều đại biểu đề cập đến tại “Hội thảo Đổi mới và Phát triển hệ thống các trường ngoài công lập ở Việt Nam” do Đại học Hòa Bình phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông” tổ chức sáng nay, ngày 29/2/2012, tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, lâu nay, do chưa có sự phân định giữa hai loại hình trường này nên chính sách đối với các trường giống nhau, dẫn đến thiệt thòi cho trường hoạt động không vì lợi nhuận. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các trường không vì lợi nhuận sẽ được hưởng chính sách riêng như được miễn thuế với các phần lợi nhuận không phân chia, được ưu đãi trong vấn đề đất đai…

Tuy nhiên, các tiêu chí cụ thể cho hai loại hình trường này vẫn chưa được cụ thể và là chủ đề nóng của Hội thảo.

Theo ông Lê Viết Khuyến (Hiệp hội các trường đại học cao đẳng ngoài công lập), hiện nay chưa có quy chế về loại hình trường phi lợi nhuận. Nhà nước cần phải khuyến khích loại hình trường này, và vì thế, cần sớm xây dựng và ban hành quy chế, ban hành các chính sách ưu đãi cụ thể.

Ông Khuyến cho rằng, chỉ những cơ sở giáo dục đại học nghiêm túc chịu sự kiểm toán tài chính và kiểm định chất lượng để được Nhà nước công nhận là tổ chức không vì lợi nhuận thì mới được hưởng chính sách ưu đãi.

Để làm được điều đó, phải quy định rõ những vấn đề về sở hữu, tính chất vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học và hình thức xã hội hóa trong từng lĩnh vực…

Ông Khuyến cũng kiến nghị Bộ có thể chấp nhận mô hình trường đại học tư thục không vì lợi nhuận theo kiểu ở Trung Quốc hoặc Thái Lan là cho phép nhà đầu tư được nhận tiền lãi với tỷ lệ hợp lý, xem như phần thưởng.

Cũng bàn đến vấn đề tiêu chí cho một cơ sở giáo dục phi lợi nhuận, ông Trần Quốc Toản cho rằng, Bộ cần phải xác định được đặc trưng cơ bản của cơ sở giáo dục vì lợi nhuận là như thế nào? Khái niệm không vì lợi nhuận cũng phải được làm rõ.

Theo ông Toản, có đến 3 loại hình trường không vì lợi nhuận. Thứ nhất là cơ sở giáo dục miễn phí, trường công không thu học phí. Thứ hai là trường thu học phí thấp, chủ yếu để bù chi. Và thứ ba là loại trường thu học phí cao nhưng không chia lợi nhuận mà dùng lợi nhuận đó để tái đầu tư, tiêu biểu như Đại học Harvard.

Ông Toản cũng cho rằng, không chỉ có trường vì lợi nhuận, trường phi lợi nhuận mà còn có loại hình trường bán phi lợi nhuận. Và phải có cơ chế chính sách riêng đối với ba loại hình trường.

Không phân chia nhiều loại như ông Toản, ông Phạm Sỹ Tiến, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội lại có cái nhìn đơn giản hơn khi khẳng định không khó để xác định một trường là vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận.

Theo ông Tiến, một trường đại học hay cao đẳng ngoài công lập sau khi chi những khoản cần thiết như trả lương cho giảng viên, công nhân viên với mức hợp lý và có khuyến khích lao động trí óc, mua sắm tài liêu, thiết bị giảng dạy, số dư còn lại sử dụng để đầu tư xây dựng trường ngày càng phát triển thì phải được coi là phi lợi nhuận. “Không khó kiểm tra tính nghiêm túc trong chi phí của các trường thông qua kiểm toán,” ông Toản nói.

Dự kiến, giữa năm 2012, dự thảo Luật Giáo dục Đại học sẽ được trình quốc hội thông qua, trong đó có đề cập đến vấn đề loại hình trường lợi nhuận và phi lợi nhuận. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ vẫn lắng nghe các ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh hơn nữa dự thảo này./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục