Chứng khoán châu Á đã đồng loạt chuyển "sắc xanh"

Trái với diễn biến trồi sụt bất nhất phiên trước, hầu hết các sàn giao dịch chứng khoán châu Á đều chuyển "sắc xanh" trong phiên 18/12.
Trái với diễn biến trồi sụt bất nhất trong phiên trước, hầu hết các sàn giao dịch chứng khoán châu Á đều chuyển "sắc xanh" trong phiên giao dịch ngày 18/12.

Diễn biến này hòa theo xu hướng lên điểm của Phố Wall, khi một vài tín hiệu khả quan trong tiến trình đàm phán về ngân sách của Chính phủ Mỹ đã thắp lên tia hy vọng mới cho giới đầu tư vào khả năng các nhà lập pháp nước này sẽ đạt được thỏa thuận nhằm ngăn chặn "vách đá tài chính" trước khi chính sách tăng thu giảm chi tự động có hiệu lực trong vòng chưa đầy 2 tuần nữa.

Kết thúc phiên này, chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 94,13 điểm, tương đương 0,96 %, lên 9.923,01 điểm. Chiến thắng áp đảo của Đảng dân chủ tự do (LDP) sau cuộc bầu cử hồi cuối tuần trước đã làm "hạ nhiệt" tỷ giá của đồng yên so với các đồng tiền chính là USD và euro, đồng thời giúp thị trường chứng khoán Tokyo ghi nhận một phiên tăng điểm ấn tượng.

Giới đầu tư hiện vẫn đang chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), dự kiến bắt đầu từ ngày 19/12, với kỳ vọng rằng thể chế tài chính này sẽ tiếp tục mở rộng chương trình nới lỏng tiền tệ nhằm thúc đẩy sức tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, theo như cam kết mà Chủ tịch đảng LDP là ông Shinzo Abe đã đưa ra trước đó.

Cùng lúc đó, tại thị trường Sydney (Australia) và Seoul (Hàn Quốc), chỉ số S&P/ASX200 và Kospi cũng lần lượt ghi thêm 21,8 điểm (0,48%) và 10,02 điểm (0,51%), lên 4.595,2 điểm và 1.993,09 điểm.

Tuy nhiên, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong lại biến động ngược chiều nhau. Khi mà chỉ số Hang Seng để tuột mất đà tăng từ đầu phiên và quay đầu giảm do hoạt động bán tháo chốt lời diễn ra ồ ạt thì chỉ số Shanghai Composite lại đảo chiều tăng nhẹ nhờ tín hiệu tích cực vào khả năng ngăn chặn "vách đá tài chính" của Mỹ.

Đóng cửa phiên này, chỉ số Hang Seng giảm không đáng kể 18,88 điểm, xuống còn 22.494,73 điểm; còn chỉ số Shanghai Composite lại tăng 2,12 điểm (0,10%), lên 2.162,46 điểm.

Đêm trước (17/12), Phố Wall đảo chiều đi lên ngay trong phiên giao dịch đầu tuần, sau khi nỗi lo về tình hình ngân sách đã phần nào được xoa dịu nhờ vào những hy vọng của giới đầu tư về khả năng Oasinhtơn sẽ sớm đạt được một thỏa hiệp chính trị nhằm ngăn chặn "vách đá tài chính" có thể xảy ra vào hai tuần tới, khi các chính sách tăng thuế và giảm chi tiêu công tự động có hiệu lực.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 100,38 điểm, tương đương 0,76%, đóng cửa ở mức 13.235,39 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng ghi thêm 16,78 điểm (1,19%) lên 1.430,36 điểm; trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite bật tăng mạnh 39,27 điểm (1,32%), đóng cửa ở mức 3.010,60 điểm.

Ngày 17/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Hạ viện John Boehner đã gặp nhau tại Nhà Trắng để bàn về “vách đá tài chính” Mỹ, nguy cơ có thể đẩy nền kinh tế số một thế giới chìm sâu hơn vào suy thoái. Động thái này khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào khả năng các nhà lãnh đạo Mỹ sẽ sớm đạt được một thỏa thuận nhằm ngăn chặn kịch bản này xảy ra. Mặc dù ông Boehner đã đồng tình với một vài đề xuất của Tổng thống Obama, song lập trường của hai bên vẫn còn nhiều điểm khác biệt.

Cũng trong phiên giao dịch này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu lại biến động bất nhất, khi tâm lý của giới đầu tư bị giằng co giữa một bên là chiến thắng vang dội của đảng LDP tại Nhật Bản, dấy lên hy vọng về triển vọng tươi sáng cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới; còn một bên là nỗi lo dai dẳng về tình hình bất ổn tài chính tại Mỹ và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Kết thúc phiên giao dịch 17/12, tại London, chỉ số FTSE 100 giảm 0,16%, xuống 5.912,15 điểm; chỉ số CAC 40 của Pháp cũng hạ 0,14%, xuống 3.638,10 điểm. Trong khi đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 lại tăng 0,11%, đóng cửa ở mức 7.604,94 điểm./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục