Lo cho chỉ tiêu

Xuất khẩu lao động, lo cho chỉ tiêu năm 2010

Chỉ có gần 30.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 6 tháng, trong khi chỉ tiêu xuất khẩu năm nay phải đạt 85.000 người.
Chỉ có gần 30.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2010, trong khi chỉ tiêu xuất khẩu năm nay phải đạt 85.000 người.

Điều đó có nghĩa là, số người đưa đi hiện tại chỉ đạt 35% chỉ tiêu năm. Để hoàn thành chỉ tiêu của năm nay, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ có thể chờ vào đợt cao điểm tuyển lao động nước ngoài của các nước rơi vào quý III.

Thị trường trọng điểm sút giảm

Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 5/2010 là 6.479 người.

Như vậy, tổng số lao động đưa đi từ đầu năm tới nay là 29.525 người. Trong số đó nhiều nhất  là thị trường Đài Loan với 10.146 người; tiếp đó là Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) 4.082 người, Lào 2.278 người, Libya 2.264 người, Nhật Bản 2.216 người, Malaysia 1.527 người; Arập Xêút 1.279 người, Macao 1.345 người...

Nếu nhìn vào các con số trên thì có thể thấy thị trường Nga, Đông Âu không có mặt. Cùng thời điểm này năm trước, hai thị trường này, lao động liên tục về nước trước thời hạn do khủng hoảng kinh tế chi phối. Vậy nên người lao động đã mất niềm tin và doanh nghiệp cũng đã bỏ ngỏ.

Tuy vậy, theo đánh giá của Cục Quản lý lao động ngoài nước, điều đáng quan tâm trong thời điểm hiện nay chính là sự sụt giảm nghiêm trọng của của thị trường Malaysia. Riêng năm ngoái, số lao động đi nước này xấp xỉ 10.000 người thì 5 tháng đầu năm nay mới chỉ đạt khoảng 1.500 người.

Đây là thị trường có nguồn cầu rất lớn, công việc phù hợp với năng lực trình độ lao động Việt Nam bởi yêu cầu đơn giản, không cần trình độ ngoại ngữ và tay nghề cao, thu nhập bình quân đạt khoảng 3-6 triệu đồng một tháng.

Giải thích khó khăn trong việc đưa lao động ra thị trường Malaysia, ông Tống Hải Nam, Trưởng phòng Thị trường lao động (Cục Quản lý lao động ngoài nước), cho hay do dư âm của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, 2009 khiến nhiều lao động Việt Nam tại thời điểm đó phải về nước trước thời hạn.

“Vậy nên niềm tin của lao động vào thị trường Malaysia giảm sút đáng kể,” ông Nam đưa ra nhận định.

Hơn nữa, người lao động hiện nay chỉ hướng tới những thị trường có thu nhập cao song chỉ tiêu tuyển lại rất ít như: Hàn Quốc, Nhật Bản…

Hy vọng vào quý III

Trước thực tế này, không ít chuyên gia nhận định, những khó khăn đối với ngành xuất khẩu lao động vẫn chưa chấm dứt hẳn.

Chỉ riêng trong tháng 6 này, đã có 2 doanh nghiệp bị thu hồi giấp phép và đình chỉ hoạt động xuất khẩu lao động, 1 doanh nghiệp bị xử phạt hành chính. Mặt khác, nhiều trường hợp doanh nghiệp tự rút giấy phép chuyển hướng kinh doanh trong thời gian qua cũng chính là lý do khiến xuất khẩu lao động gặp khó.

Cục quản lý lao động ngoài nước cũng cho hay, trong số khoảng 170 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực xuất khẩu lao động, số lượng doanh nghiệp đủ năng lực tài chính, đầu tư cơ sở vật chất đào tạo nguồn lao động, năng lực tiếp cận thị trường tốt… chỉ chiếm khoảng 30%.

Mặc dù số lao động được đưa đi xuất khẩu tính đến nay vẫn chưa đạt được như mong mong đợi, nhưng theo ông Đào Công Hải, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước, chỉ tiêu đưa 85.000 người ra nước ngoài làm việc trong năm nay vẫn có thể đạt được.

Bởi lẽ, theo thông lệ, tại các nước có sử dụng lao động nước ngoài, cuối quý III là thời điểm các doanh nghiệp thay lao động.

“Đây mới đúng là lúc chúng ta dồn dập nhận được đơn đặt hàng. Chính vì thế từ tháng 9 trở đi sẽ là đợt cao điểm doanh nghiệp tiếp nhận lao động mới,” ông Hải nói.

Tuy nhiên, có một thực tế là vào thời điểm quý III của hai năm trở lại đây vẫn xảy ra tình trạng lao động Việt Nam mất việc phải trở về nước, hoặc có nhiều trường hợp lao động đã ký được hợp đồng nhưng không thể ra nước ngoài làm việc do khủng hoảng kinh tế.

Điều lo hơn cả là những cảnh báo mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về năng suất lao động, kỹ năng nghề, chất lượng công việc của lao động Việt Nam đang kém xa các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo tổ chức này, Việt Nam đã từng có tăng trưởng năng suất lao động ấn tượng trong thập kỷ trước, tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn chỉ bằng một nửa mức trung bình của khối ASEAN và bằng 1/12 tỷ lệ của Singapore.

Những cảnh báo trên của ILO là về lao động Việt Nam nói chung, còn với lao động xuất khẩu, chủ yếu là lao động phổ thông từ các vùng quê có điều kiện kinh tế kém phát triển thì vấn đề lại càng đáng lưu tâm hơn.

Vậy nên, việc dự báo trước những diễn biến mới nhất của thị trường lao động thế giới để nắm bắt kịp tình hình và có giải pháp cụ thể sẽ là những điều kiện tiên quyết để mục tiêu xuất khẩu lao động của năm nay có thể đạt được con số đề ra./.

Thông Chí (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục