Tăng cường năng lực cho DN về chống bán phá giá

Nhằm hạn chế, đối phó hiệu quả các vụ kiện chống bán phá giá, doanh nghiệp nên chủ động chuẩn bị về thông tin, chứng từ của sản phẩm.
Ngày 22/11, Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Trung tâm hỗ trợ hội nhập WTO và Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Pháp luật và phương pháp điều tra thực tế của Ủy ban thương mại quốc tế Hoa kỳ (USITC) về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ thương mại”.

Tại hội thảo, các chuyên gia và đại diện sở, ngành đã giới thiệu tổng quan về cơ cấu tổ chức, phạm vi quyền hạn; một số loại thiệt hại thường bị tiến hành điều tra; vai trò trong việc điều tra và xác định thiệt hại ở các vụ việc phòng vệ thương mại của Ủy ban USITC (Hoa kỳ).

Đồng thời, cung cấp thông tin về quy trình thực hiện các vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ ở thị trường Hoa kỳ và những vấn đề lưu ý trong các vụ kiện này.

Ông Nguyễn Văn Toại - cựu chuyên gia của Ủy ban USITC (Hoa kỳ) cho biết khi tiến hành thực hiện vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ về thương mại, các tổ chức thường kín đáo về thông tin, triển khai thận trọng và có thời gian chuẩn bị nhất định, đảm bảo không cho bên bị kiện có cơ hội chuẩn bị đối phó.

Trong đó, sau khi nhận đơn kiện, các tổ chức sẽ tiến hành điều tra sơ bộ, xác định có kiện hay không; tiếp theo thực hiện điều tra cuối cùng và rà soát hành chính (thời gian có thể kéo dài đến 5 năm).

Nhằm hạn chế và đối phó hiệu quả với các vụ kiện, doanh nghiệp nên chủ động chuẩn bị về thông tin, chứng từ của sản phẩm; thành lập hoặc kết nối với các đơn vị đại diện ở thị trường xuất khẩu để theo dõi diễn biến ngành hàng và dự báo tình hình kinh doanh trong lĩnh vực doanh nghiệp tham gia.

Đồng thời, khi bị hỏi về thông tin, hoạt động thương mại, doanh nghiệp nên nhanh chóng hồi đáp và giải thích chi tiết, tránh trường hợp thông tin không chính xác, đúng đắn, gây thiệt hại về tài chính và thương hiệu.

Mặt khác, theo các chuyên gia để bảo vệ thị trường trong nước, phát triển hoạt động kinh doanh bền vững, cơ quan chức năng và doanh nghiệp Việt Nam khi tiến hành các vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, cần đảm bảo tìm hiểu và chứng minh những thiệt hại do hàng hóa nước ngoài gây ra; hoàn chỉnh hồ sơ, dữ liệu theo đúng quy trình dựa trên cơ sở pháp luật./.

Mỹ Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục