"Phụ nữ có học thức rất cao trong xã hội của Iran"

Một nghiên cứu ới đây cho thấy cộng hòa Hồi giáo Iran là một xã hội được đô thị hóa cao với phần lớn dân chúng có học thức.
Iran là một xã hội được đô thị hóa cao với phần lớn dân chúng có học thức, trẻ trung và có dân số đông thứ hai trong các nước Hồi giáo Trung Đông, theo một cuộc thăm dò dư luận mới đăng tải ngày Chủ nhật. Trích ngang của cuộc tổng điều tra, được đăng trên trang web của cơ quan hoạch định kết hoạch và chiến lược của chính phủ (www.amar.org.ir), cũng sửa lại một số quan niệm sai lầm về quốc gia này, đáng chú ý là việc số người Do Thái và số người sử dụng internet thấp hơn so với trông đợi. Cuộc tổng điều tra dân số bắt đầu thu thập thông tin vào năm 2011 và một bản tóm tắt được các quan chức của cơ quan nói trên trình bày tuần trước, ước tính dân số Iran là 75,2 triệu người, 99,4% là người Hồi giáo. Như vậy dân số Iran đứng thứ hai trong vùng, sau Ai Cập (81 triệu người, theo Ngân hàng thế giới). Người chủng tộc Iran là 73,5 triệu, người Afghanistan 1,5 triệu, là nhóm thiểu số lớn nhất nước. Các nhóm thiểu số khác bao gồm người Iraq (51.500), Pakistan (17.700) và Thổ Nhĩ Kỳ (1.600). Phần lớn dân số, 71%, sống ở các vùng đô thị, với Tehran và các đô thị vệ tinh có 12,2 triệu dân. Tỉ lệ biết đọc của những người tuổi từ 10 tới 49 là 93%. Hầu hết dân số rất trẻ, với 55% dưới 30 tuổi. Dân số Iran thậm chí từng trẻ hơn thế, nhưng do tỉ lệ sinh tăng chậm lại trong vài năm qua, trung bình 1,29 con cho một cặp vợ chồng, so với 1,62 vào năm 2006, đã dẫn đến dân số lớn tuổi hơn. Nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei mới đây đã tìm cách đảo ngược chính sách kiểm soát dân số trước đó để đạt dân số từ 150-200 triệu người. Mặc dù hầu hết người Iran theo Hồi giáo, những tôn giáo khác cũng tồn tại. Có 8.756 người Do Thái ở nước này, theo cuộc tổng điều tra, tức là ít hơn 20.000 người so với ước tính trước đó.

Phụ nữ Iran có học thức rất cao trong xã hội (Nguồn: AFP)
Ngoài ra có khoảng 117.704 người Thiên Chúa giáo, cùng 25.271 theo Hỏa giáo (tôn giáo bản địa ở vùng Ba Tư trước thời Hồi giáo) và 49.101 người “tôn giáo khác”. Tổng cộng 265.899 người từ chối tiết lộ thông tin về tôn giáo. Giáo dục là một giá trị quan trọng ở Iran, khi số người học cao ở trường đại học hoặc các học viên tôn giáo tăng mạnh (10,5 triệu so với 6,9 triệu vào năm 2006). Tỉ lệ nam-nữ ở các trường đại học là 50-50, cho thấy số phụ nữ Iran có học thức rất cao trong xã hội. Iran cũng là nước có nhiều người sử dụng internet nhiều nhất tại Trung Đông, dù con số 11,2 triệu người được kết nối internet công bố trong bản điều tra thấp hơn nhiều so với ước tính 36 triệu trước đó của Bộ thông tin truyền thông./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục