Hội thảo lý luận Đảng Cộng sản Việt Nam-Trung Quốc

Hội thảo lý luận lần thứ 6 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc, tổ chức từ ngày 8-10/9, tại thành phố Đà Nẵng.
Hội thảo lý luận lần thứ 6 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc, tổ chức từ ngày 8-10/9, tại thành phố Đà Nẵng, với chủ đề "Đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế - Kinh nghiệm Việt Nam, kinh nghiệm Trung Quốc."

Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương làm Trưởng đoàn.

Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc do ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc làm Trưởng đoàn.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Tô Huy Rứa khẳng định chủ đề của cuộc hội thảo được hai Đảng rất quan tâm do ý nghĩa lý luận và thực tiễn vừa cấp bách, trước mắt, vừa cơ bản, lâu dài.

Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc đang tăng cường xây dựng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; cả hai Đảng đều đang lãnh đạo đất nước của mình theo phương châm chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Đây là những phương hướng lớn của hai Đảng, được hình thành và phát triển trong quá trình đổi mới, cải cách, mở cửa ở hai nước.

Vấn đề đặt ra là văn hóa sẽ phát triển như thế nào trong điều kiện ấy. Trong đổi mới của Việt Nam, cải cách, mở cửa của Trung Quốc, hai Đảng đã có những chủ trương, chính sách phù hợp, trên thực tế đã thu hút được những thành tựu trong lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa, nhưng cũng còn những khuyết điểm, hạn chế.

Việt Nam đã có những kinh nghiệm bước đầu, nhưng cũng còn lúng túng về xây dựng văn hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Chính vì thế, chủ đề của hội thảo lần này rất quan trọng, thiết thực, bổ ích và thu hút sự quan tâm của hai Đảng.

Trong phát biểu của mình, ông Tô Huy Rứa nêu rõ vị trí, vai trò của văn hóa trong tiến trình cách mạng và trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay; xây dựng văn hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường; xây dựng văn hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế; xây dựng văn hóa đạo đức và lối sống trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; xây dựng văn hóa trong Đảng trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Ông Tô Huy Rứa cũng nhấn mạnh đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã và đang đặt ra rất nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn cần được tiếp tục đi sâu nghiên cứu và tổng kết. Trong quá trình lãnh đạo văn hóa, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đạt được những thành tựu, rút ra những kinh nghiệm thực tiễn quý; đồng thời nhiều vấn đề mới đặt ra cần cùng nhau trao đổi, giúp nhau giải quyết.

Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Vân Sơn nêu rõ văn hóa là ngọn cờ tinh thần của một Đảng, một đất nước, thúc đẩy xây dựng văn hóa xã hội chủ nghĩa phải lấy chủ nghĩa Mác làm chỉ đạo, trước sau như một kiên trì phương hướng tiến lên của nền văn hóa tiên tiến. Văn hóa là kết tinh giá trị chung của toàn dân tộc.

Đẩy mạnh xây dựng văn hóa xã hội chủ nghĩa cần phải xây dựng hệ thống giá trị hạt nhân xã hội chủ nghĩa, hình thành nhịp cầu nối tinh thần để toàn dân đoàn kết một lòng, phấn đấu vươn lên.

Trong điều kiện kinh tế thị trường, văn hóa được thể hiện bằng hai hình thái là sự nghiệp và ngành nghề, thúc đẩy xây dựng văn hóa xã hội chủ nghĩa có nghĩa là cần phải một tay nắm sự nghiệp văn hóa mang tính công ích, một tay nắm ngành nghề văn hóa mang tính kinh doanh, thực hiện phát triển văn hóa một cách toàn diện và nhịp nhàng.

Mục đích căn bản của phát triển văn hóa là vì dân, sức mạnh phải dựa vào dân, đẩy mạnh xây dựng văn hóa cần phải kiên trì lấy con người làm gốc, phục vụ quần chúng, đáp ứng tối đa nhu cầu văn hóa tinh thần của quần chúng nhân dân.

Động lực phát triển văn hóa bắt nguồn từ cải cách, đẩy mạnh xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa cần phải kiên trì đi sâu cải cách thể chế văn hóa, không ngừng giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất văn hóa. Văn hóa là lĩnh vực đòi hỏi sáng tạo nhất, thúc đẩy xây dựng văn hóa xã hội chủ nghĩa cần đổi mới nội dung và hình thức, phương pháp, biện pháp của văn hóa, thiết thực tiếp thêm sức sống mới cho văn hóa.

Văn hóa là cầu nối tâm linh giữa các quốc gia và các dân tộc khác nhau, thúc đẩy xây dựng văn hóa xã hội chủ nghĩa cần phải triển khai giao lưu văn hóa nhiều tầng nấc và toàn diện, không ngừng tăng thêm hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân các nước.

Trong phát biểu của mình, ông Lưu Vân Sơn cũng khẳng định Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, có nền văn hóa tương tự.

"Chúng tôi nguyện cùng Việt Nam mở rộng hơn nữa con đường và nỗ lực góp sức cho giao lưu và hợp tác văn hóa giữa hai nước. Đảng và Chính phủ Việt Nam đã và đang áp dụng nhiều chính sách biện pháp phù hợp với tình hình Việt Nam về mặt tăng cường xây dựng văn hóa và đã thu được thành quả tốt đẹp, nhiều kinh nghiệm và cách làm của các đồng chí đáng để chúng tôi học tập và tham khảo," ông Lưu Vân Sơn nói.

Trong thời gian hội thảo, đại biểu và các nhà khoa học của hai Đảng sẽ tập trung thảo luận, trao đổi các vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế./.

Văn Sơn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục