Ngân hàng mở rộng hoạt động tại các nước ASEAN

Một vài năm trở lại đây, không ít ngân hàng Việt Nam đã tìm cách mở rộng thị trường hoạt động sang các nước trong khối ASEAN.
Hiện nay, không ít ngân hàng thương mại Việt Nam đã và đang tìm cách mở rộng thị trường hoạt động ở nước ngoài, trong đó các ngân hàng đặc biệt chú trọng thị trường trong khối ASEAN như Lào, Campuchia, Myanmar.

Tiềm năng lớn từ Lào, Campuchia

Một số ngân hàng Việt Nam thời gian qua đã nhanh chân mở rộng hoạt động sang khu vực các nước ASEAN nhằm tận dụng lợi thế cận biên.

Tính đến nay, riêng tại thị trường Campuchia, ba ngân hàng lớn của Việt Nam là Agribank, BIDV và Sacombank đã đặt chân vào đây với nhiều tính toán khác nhau.

Một số ngân hàng thương mại khác cũng đang ngấp nghé thị trường này nhưng lựa chọn phương án nào để thâm nhập đang là bài toán khá phức tạp.

Khác với một số quốc gia trong khu vực áp dụng mô hình ngân hàng trung ương trực thuộc chính phủ thì Campuchia cho phép Ngân hàng Quốc gia (NBC) giữ vai trò độc lập với Chính phủ, quản lý tập trung toàn bộ hoạt động của hệ thống ngân hàng.

BIDV mới hoàn thành cú “đúp” khi vừa mở văn phòng đại diện, vừa “mua đứt” một ngân hàng tư nhân tại Campuchia và lấy tên là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC).

BIDC chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2009 với vốn điều lệ 70 triệu USD, là ngân hàng thương mại có vốn đầu tư lớn thứ hai tại Campuchia. Tuy nhiên, sau gần một năm hoạt động, BIDC đã kinh doanh có lãi và hiện nay đã nâng tổng vốn tài sản lên 150 triệu USD.

Với uy tín và thương hiệu sẵn có của BIDV, BIDC đã nhanh chóng được thị trường tài chính-ngân hàng Campuchia biết đến và bước đầu đã thực hiện được mục tiêu đề ra là kết nối thị trường tài chính giữa hai nước, cung cấp các gói dịch vụ tài chính hoàn hảo cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Campuchia và góp phần thúc đẩy nền kinh tế nước này phát triển.

Cũng bắt đầu bằng thành lập chi nhánh, Sacombank cho biết sẽ sớm hoàn tất hồ sơ xin phép thành lập ngân hàng con 100% vốn trực thuộc Tập đoàn. Bởi vì, chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, cả hai chi nhánh trên của Sacombank đã đóng góp lớn vào tổng lợi nhuận cho Sacombank.

Sau khi nghiên cứu kỹ về thị trường Campuchia, Lào và nhận thấy các thị trường này phù hợp với chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ. Vì vậy, Sacombank muốn mang sản phẩm, dịch vụ tài chính bán lẻ ở Việt Nam để áp dụng tại chi nhánh của Sacombank ở những thị trường này.

Theo Sacombank, việc có mặt của ngân hàng Việt Nam trên thị trường Campuchia ở thời điểm này không phải là muộn mà thực sự đã chín muồi khi nhu cầu giao thương gia tăng. Khác với Malaysia, Indonesia, ngân hàng Việt Nam có những lợi thế nhất định, đó là con đường giao thương mậu dịch cận biên. Vì có nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang làm việc tại Campuchia và ngược lại nên sẽ là cơ hội cho các ngân hàng phát triển.

Agribank cũng mới khai trương chi nhánh đầu tiên tại Thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia vào cuối tháng 6/2010.

Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu việc Agribank mở rộng mạng lưới hoạt động ra nước ngoài, là cầu nối thị trường tài chính-tiền tệ Việt Nam-Campuchia, đồng thời mong muốn đem tới đất nước chùa Tháp một hệ thống thanh toán, dịch vụ ngân hàng tiên tiên, hiện đại đáp ứng nhu cầu tài chính-tiền tệ cho thị trường 14 triệu dân và các doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia có quan hệ thương mại và đầu tư.

Hứa hẹn ở những thị trường khác

Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tích cực mở rộng quan hệ hợp tác tài chính ngân hàng nội khối ASEAN thông qua việc tham gia các hội nghị cấp cao và các cuộc họp nhóm hợp tác về tài chính tiền tệ. Mục tiêu là xây dựng một cộng đồng kinh tế ASEAN cùng phát triển, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong tiến trình hội nhập tài chính tiền tệ khu vực nói riêng, hội nhập, liên kết kinh tế khu vực nói chung.

Năm 2008 và năm 2010, Việt Nam đã đăng cai tổ chức và chủ trì Hội nghị Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (ACGM) và Hội nghị Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ASEAN (ACDM) tại Đà Nẵng và Nha Trang. Hội nghị đã tạo ra một diễn đàn để các nhà lãnh đạo và các chuyên gia về tài chính ngân hàng trình bày quan điểm và cùng nhau trao đổi về các vấn đề kinh tế chung của khu vực.

Đây cũng là cơ hội để Ngân hàng Trung ương các nước ASEAN củng cố quan hệ hợp tác nhằm chống lại các cú sốc từ bên ngoài và ngăn ngừa khủng hoảng tái diễn trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đang trải qua giai đoạn cuối của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế.

Đây đồng thời cũng là cơ hội để các ngân hàng thương mại khác của Việt Nam tìm kiếm địa bàn hoạt động ở những nước phù hợp với tiêu chuẩn và nguồn lực của mình. Thị trường Lào và Myanmar cũng đã được các ngân hàng đánh giá là dễ triển khai dịch vụ và dễ chiếm lĩnh thị trường.

BIDV cũng mới thành lập văn phòng đại diện tại Yangon, Myanmar với hoạt động chính là tham mưu cho hội đồng quản trị và tổng giám đốc về hoạt động kinh doanh đối ngoại của BIDV trên thị trường này; đồng thời nghiên cứu thị trường, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, các đối tác, thu thập thông tin phục vụ cho việc tư vấn khách hàng về các dịch vụ của BIDV.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đã lên kế hoạch mở văn phòng đại diện tại thị trường Lào.

“Với những tiềm năng về khoáng sản, thủy điện, nông-lâm nghiệp, nguồn lao động dồi dào và là cửa ngõ quan trọng để thâm nhập thị trường của hơn 150 triệu dân tiểu vùng châu Á, nhu cầu về vốn phục vụ cho nền kinh tế của Lào là rất lớn,” ông Phạm huy Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank nói.

Tuy nhiên, một lãnh đạo của Vietcombank cho rằng, muốn đầu tư vào các thị trường lớn, các ngân hàng Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ càng bởi những thị trường này đòi hỏi vốn, nguyên tắc hoạt động chặt chẽ. Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn thiếu một số yếu tố như kinh nghiệm, quản trị rủi ro, ứng dụng công nghệ...

Nếu chưa giải quyết được các điểm yếu này thì các ngân hàng thương mại Việt Nam có nguy cơ gặp rủi ro lớn khi tham gia mở chi nhánh tại các nước, đặc biệt là các nước có nền kinh tế phát triển./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục