Tài chính lành mạnh là cốt lõi của sự tăng trưởng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh các nước ASEAN ủng hộ việc G-20 tạo dựng hệ thống tài chính lành mạnh để tăng trưởng bền vững.
Tại thành phố Toronto, Canada sáng 27/6 (theo giờ địa phương) đã diễn ra phiên khai mạc Hội nghị cấp cao G-20 với chủ đề "Khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng."

Đây là chủ đề được các nhà lãnh đạo G-20 thông qua nhằm đảm bảo sự phục hồi và phát triển bền vững của kinh tế thế giới tại Hội nghị cấp cao G-20 lần thứ 3 (Pittsburgh tháng 9/2009).

Hội nghị có sự tham dự của đại diện các nước G-20, các nước khách mời gồm Việt Nam, Malawi, Ethiopia, Tây Ban Nha và Hà Lan, các tổ chức quốc tế gồm Liên hợp quốc, IMF, WB, ILO, UNDP, WTO…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
trên cương vị người đứng đầu nước Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đã dẫn đầu đoàn đại biểu tham dự hội nghị và nêu bật những quan điểm của ASEAN về vấn đề này.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh các nước ASEAN đánh giá cao việc các Nhà lãnh đạo G-20 thông qua Khuôn khổ Tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng tại Hội nghị Cấp cao Pittsburgh, đồng thời ủng hộ các nội dung của khuôn khổ, đặc biệt mục tiêu tập trung cao nhất các nỗ lực cho việc phục hồi mạnh mẽ, bền vững và cân bằng và tạo dựng một hệ thống tài chính lành mạnh là cốt lõi của tăng trưởng bền vững.

Thủ tướng bày tỏ nhất trí cần thúc đẩy phục hồi đều khắp, ở mọi nhóm nước, kể cả các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển, tạo thuận lợi hơn nữa cho phục hồi và tăng trưởng bền vững ở các nền kinh tế này, nhất là khi các nước này đang là động lực của phục hồi kinh tế toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ các nước ASEAN ủng hộ việc củng cố tài khóa trên cơ sở “thân thiện với tăng trưởng,” áp dụng có phân biệt và linh hoạt tùy theo hoàn cảnh mỗi nước, đảm bảo duy trì động lực phục hồi kinh tế và sự lành mạnh của hệ thống tài chính, đồng thời cần tránh tác động tiêu cực đối với tăng trưởng nói chung cũng như đến ODA và các dòng vốn chảy vào các nước đang phát triển.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Hội nghị cấp cao ASEAN tại Hà Nội tháng 4/2010 đã ra Tuyên bố về phục hồi và phát triển bền vững, khẳng định tiếp tục duy trì các biện pháp hỗ trợ tài chính-tiền tệ trong thời gian tới, đồng thời có kế hoạch chuẩn bị rút các gói kích thích khi đã đảm bảo sự phục hồi kinh tế vững chắc.

ASEAN cũng hoan nghênh G-20 dành ưu tiên cao cho vấn đề thu hẹp khoảng cách phát triển, ủng hộ việc lập Nhóm công tác về phát triển và đưa chủ đề phát triển thành một mục quan trọng của Chương trình Nghị sự cấp cao G-20 tại Seoul.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh các quyết sách của G-20 không thể phát huy đầy đủ tác dụng nếu thiếu sự hưởng ứng tích cực của các nhóm nước khác. Vì vậy, sự tăng cường phối hợp và hợp tác giữa G2-0 với các nhóm nước, trong đó có các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, có ý nghĩa quan trọng, giúp tăng sự tín nhiệm của G-20, góp phần thu hẹp khác biệt về chính sách kinh tế giữa các nhóm nước, tạo thuận lợi giải quyết các mất cân đối toàn cầu. Do đó, đề nghị G-20 tiếp tục tham vấn rộng rãi trong quá trình triển khai Khuôn khổ với các nước ngoài G-20.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định ASEAN ủng hộ và cam kết tiếp tục nỗ lực phối hợp chính sách của mình với các lựa chọn chính sách của G-20; Đề nghị thiết lập một cơ chế phối hợp chính sách chặt chẽ hơn giữa G-20 và ASEAN, bắt đầu từ sự tham gia chủ động và tích cực của ASEAN vào quá trình ra chính sách của G-20, và tiếp theo là quá trình tiếp nhận, thích ứng hóa và hài hòa hóa các lựa chọn chính sách này với chính sách của ASEAN, và cuối cùng là cơ chế phản hồi.

Tại phiên họp, các nhà lãnh đạo đã thảo luận báo cáo về các lựa chọn chính sách với nội dung chủ yếu: Khuyến nghị các nước G-20 cố gắng đạt được kịch bản cao về triển vọng kinh tế thế giới; Phân loại các nước thành viên G-20 thành năm nhóm nước chủ yếu để đưa ra các biện pháp khuyến nghị chính sách đối với từng nhóm nước;

Thúc đẩy chi tiêu tài chính bền vững mà trọng tâm là thúc đẩy củng cố tài khóa tại các nền kinh tế phát triển nhằm giảm nợ chính phủ và các rủi ro tài khóa khác;

Hướng tới nền kinh tế toàn cầu cân bằng hơn, trong đó trọng tâm là giảm các mất cân đối toàn cầu; Thúc đẩy cải cách cơ cấu chủ yếu tập trung vào các biện pháp cải cách các thị trường sản phẩm, dịch vụ và lao động tại các nước G-20;

Lành mạnh hóa khu vực tài chính, bao gồm áp dụng các tiêu chuẩn mới về vốn và thanh khoản, xây dựng các nguyên tắc chung về giám sát tài chính, ngăn ngừa các rủi ro đạo đức, cải cách các công cụ phái sinh, áp dụng các chuẩn mức kế toán toàn cầu thống nhất;

Thúc đẩy các khuôn khổ chính sách tiền tệ lành mạnh nhằm đảm bảo ổn định giá cả cũng như đảm bảo cơ chế tỷ giá vận hành phù hợp với các quy luật kinh tế….

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục