Gia Lai và Đắk Lắk chủ động khắc phục bão số 8

Do ảnh hưởng của bão số 8, mấy ngày qua ở tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk liên tục có mưa to trên diện rộng làm nhiều xã, huyện bị ngập lụt.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 8, trong nhiều ngày qua trên địa bàn tỉnh Gia Lai mưa lớn kéo dài gây ngập lụt cục bộ một số nơi đặc biệt là vùng biên giới huyện Chưprông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân trong khu vực.

Tuy nhiên, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, chủ động ứng phó với thiên tai nên trên địa bàn chưa xảy ra thiệt hại về người.

Tại các xã Ia Lâu, Ia Piơr mưa lớn làm mực nước sông, suối dâng cao, gần 200 hộ dân ở vùng trũng tại các thôn Đoàn Kết, Yên Hưng, Yên Bình... bị ngập lụt, nhiều nhà bị hư hỏng nặng. Các tuyến đường giao thông nội thôn hầu như bị chia cắt bởi nước lũ, mọi hoạt động đều ngưng trệ. Nhiều diện tích hoa màu bị ngập vùi và cuốn trôi trong nước...

Theo nhận định, đây là tình trạng ngập lụt tức thời do trong thời gian ngắn, nước từ thượng nguồn đổ về nhanh trong khi hạ lưu không thoát kịp nên nước dâng cao rất nhanh.

Trước tình hình diễn biến thời tiết phức tạp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đào Xuân Liên đã đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện nhanh chóng giúp dân ổn định cuộc sống.

Ông Đào Xuân Liên lưu ý lãnh đạo huyện nhanh chóng tổng hợp số liệu cụ thể, phản ánh chính xác mức độ thiệt hại và có biện pháp khắc phục thiên tai, giúp người dân ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, ngay sau khi nước rút, chính quyền địa phương cần sớm có biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường, phòng trừ dịch bệnh; đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt không được chủ quan trước những diễn biến bất thường của thời tiết, luôn chủ động ứng phó, tuyên truyền nhắc nhở người dân, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hiện nay mặc dù nước ở khu dân cư đã cơ bản rút hết, song nhiều sông suối và các ngầm trên địa bàn mực nước vẫn ở mức cao...

Cũng do ảnh hưởng của bão số 8, mấy ngày qua trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tục có mưa to trên diện rộng làm nhiều xã, huyện bị ngập lụt; trong đó, thiệt hại nặng nhất là các huyện Ea Súp, Ea H’Leo, Krông Búk.

Do mưa to, nước lũ về đột ngột, xuất hiện lũ quét, nhiều người dân đi làm trên nương rẫy không về kịp nên bị nước lũ cô lập. Ông Nguyễn Đình Toản, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ea Súp cho biết, mặc dù mưa lớn, cộng với mực nước sông, suối, hồ đập đang dâng cao, chảy xiết nhưng các lực lượng chức năng vẫn tăng cường tìm kiếm để ứng cứu, sớm đưa đồng bào về nơi an toàn. Đến thời điểm này, huyện Ea Súp đã có 2 người chết do mưa lũ. Huyện Ea Súp có 8/10 xã và huyện H’Leo có 8/12 xã, thị trấn đều bị ngập chìm trong nước…

Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai tỉnh Đắk Lắk, thống kê sơ bộ toàn tỉnh đã có hàng ngàn ngôi nhà bị ngập lụt, hàng chục công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng; 16 cầu, cống bị nước lũ cuốn trôi, hàng trăm km đường giao thông bị xói lở, cuốn trôi nhiều đoạn. Trên 2.000ha lúa, màu bị mất trắng; hàng chục tấn lương thực và hàng chục ngàn con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi. Riêng tại huyện Ea Súp, có trên 2.107 nhà dân bị ngập, 2.110 hộ dân phải di dời…

Hiện nay, ở một số vùng nước lũ đã bắt đầu rút, đồng bào các dân tộc đang giúp nhau dọn dẹp nhà cửa. Chính quyền các địa phương tổ chức thống kê thiệt hại để có kế hoạch hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện cho người dân nhanh chóng ổn định nơi ăn ở, sớm khôi phục sản xuất.

Cho đến thời điểm này, tại huyện biên giới Ea Súp (Đắk Lắk) nhiều vùng vẫn đang chìm trong biển nước. Tỉnh Đắk Lắk cũng như huyện biên giới Ea Súp đang tích cực triển khai các biện pháp để tìm kiếm những người mất tích; di dời các hộ dân từ nơi nguy hiểm đến nơi an toàn, ứng phó các công trình thủy lợi trọng yếu để phòng ngừa các tình huống xấu xảy ra…

Đặc biệt, trận lũ quét xảy ra trưa 17/9 trên địa bàn xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, Đắk Lắk, đã cuốn phăng 4 cái chòi của các hộ dân từ nơi khác đến đây làm rẫy, khiến 11 người chết và mất tích. Đến 13 giờ ngày 19/9, lực lượng cứu hộ mới tìm được thi thể 2 người chết là bà Hầu Thị Mị (trú tại thôn 14 xã Cư Kbang) và anh Đào Văn Lý; tìm được 3 người đưa về nơi an toàn và đang tiếp tục tìm kiếm những người mất tích còn lại.

Ngoài thiệt hại về người, mưa lũ đã làm ngập 49 thôn, khiến 50 hộ phải di dời; hơn 2.100 ngôi nhà bị ngập, 4 nhà bị sập hoàn toàn. Về sản xuất, có gần 3.100ha cây trồng bị nhấn chìm; trong đó có 1.000ha lúa, gần 300ha ngô và khoảng 10ha cây trồng khác bị ngập. Nước lũ cũng lấy đi hàng chục tấn lương thực, hơn 13.000 con gia súc, gia cầm của dân. Hơn 65km đường bị sạt lở, 11 cầu cống bị ngập, sập; hàng chục ha ao cá bị ngập; 7 trường học trên địa bàn tạm đóng cửa do bị ngập.

Chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão tại huyện Ea Súp, ông Hoàng Trọng Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk yêu cầu: phải tập trung toàn lực để tiếp tục ứng phó với tình hình mưa lũ và tích cực khắc phục hậu quả sau lũ.

Đặc biệt, các lực lượng cứu hộ (công an, bộ đội, biên phòng) phải tích cực xác minh, tìm kiếm những nạn nhân bị mất tích còn lại trong cơn lũ quét xảy ra vào trưa 17/9 tại xã Ia Jloi; đưa toàn bộ những hộ dân ở vùng nguy hiểm do ngập lụt đến nơi an toàn; trích nguồn kinh phí để cứu trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con, không để xảy ra tình trạng thiếu đói. Ngành y tế chú trọng công tác vệ sinh môi trường sau lũ để các loại dịch bệnh không bùng phát và đảm bảo cho đồng bào có nước hợp vệ sinh để dùng…

Hiện tại, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã trích kinh phí hỗ trợ 5 triệu đồng cho mỗi gia đình có người bị chết, 3 triệu đồng cho người bị thương. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng hỗ trợ 20 triệu đồng cho huyện Ea Súp để mua nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục