Giá dầu lên xuống bất nhất tại thị trường châu Á

Giá dầu biến động trái chiều tại thị trường châu Á, do xu hướng bán tháo chốt lời của giới đầu tư sau phiên tăng giá mạnh vào hôm trước.
Trong phiên giao dịch ngày 14/3, giá dầu biến động trái chiều tại thị trường châu Á, do xu hướng bán tháo chốt lời của giới đầu tư sau phiên tăng giá mạnh vào hôm trước, kết hợp với các thông tin tích cực của một số nền kinh tế lớn trên thế giới.

Kết thúc phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ hay còn gọi là dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giao tháng 4/2012 “nhích” nhẹ thêm 1 xu, lên 106,72 USD/thùng, tuy nhiên giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn lại giảm 9 xu, đóng cửa ở mức 126,13 USD/thùng.

Ông Justin Harper, chiến lược gia của công ty IG Markets Singapore, cho biết: “ Thị trường năng lượng diễn ra khá lạc quan nhờ các tín hiệu tích cực của nền kinh tế thế giới, song đà tăng lại bị chặn bởi xu hướng bán tháo của giới đầu tư vào phiên trước."

Cùng ngày, Viện dầu khí Mỹ (API) vừa thông báo rằng lượng dầu tồn kho của nước này trong tuần trước đã tăng thêm 2,8 triệu thùng , nhiều hơn mức dự báo trước đó của các nhà phân tích thuộc Cơ quan năng lượng Platts là 2,1 triệu thùng, cho thấy nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu đang có xu hướng giảm.

Trong đêm trước (13/3), tại thị trường Mỹ, những tín hiệu lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu, tình trạng căng thẳng tại Trung Đông và các đánh giá tích cực của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về nền kinh tế số một thế giới đã đẩy giá dầu tiếp tục đi lên.

Chốt phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 4/2012 tăng 37 xu, đóng cửa ở mức 106,71 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tăng tới 88 xu, đứng ở mức 126,22 USD/thùng.

Sau cuộc họp bàn về chính sách ngày 13/3 của FED, thể chế tài chính này đã đưa ra nhận định lạc quan hơn về viễn cảnh của nền kinh tế Mỹ, sau khi báo cáo mới đây cho thấy tăng trưởng doanh thu bán lẻ của nước này đã tăng 1,1%, mức cao nhất trong vòng 5 tháng qua, và thị trường việc làm đã được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, Ủy ban thị trường mở Liên bang cho rằng sự phục hồi của kinh tế Mỹ còn khá mong manh, khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao, thu nhập của người dân chưa được cải thiện và thị trường nhà đất vẫn ảm đạm. Bởi vậy, FED tuyên bố sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức gần bằng 0% thêm một giai đoạn nữa nhằm tạo điều kiện cho nền kinh tế Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, phục hồi vững chắc hơn.

Ngoài ra, giá dầu còn được hỗ trợ tích cực bởi thông tin mới đây cho thấy chỉ số lòng tin đầu tư của Đức trong tháng 3/2012 đã tăng lên mức cao nhất trong 21 tháng qua . Điều này càng góp phần khiến giới đầu tư tin tưởng rằng nền kinh tế hàng đầu châu Âu có thể “phớt lờ” các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ dai dẳng tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Thêm vào đó, những căng thẳng giữa Iran và các nước phương Tây xung quanh chương trình hạt nhân của Tehran cũng là nhân tố đẩy giá dầu tăng cao./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục