Để trẻ em bị nhiễm HIV được đối xử bình đẳng

TP.HCM có hơn 15.000 trẻ OVC, hầu hết tập trung ở độ tuổi tiểu học và THCS nhưng việc đến trường của các em gặp không ít khó khăn.
Thành phố Hồ Chí Minh ước tính có hơn 15.000 trẻ bị nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV (trẻ OVC), hầu hết tập trung vào độ tuổi theo học tiểu học và trung học cơ sở.

Trước đây, việc đến trường, đi học của các em gặp không ít khó khăn do sự kỳ thị, lo sợ của một bộ phận phụ huynh.

Đến nay tình trạng này đã giảm tại các trường học trong thành phố. Thế nhưng, vẫn còn đó ở những huyện ven thành phố, khi mà nhận thức của người dân chưa được nâng cao, nhiều em đã không được hưởng trọn vẹn cái quyền được đi học như bao học sinh khác.

Trẻ OVC ở Trung tâm Mai Hòa, cơ sở nhận nuôi các em OVC mồ côi, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh là một trường hợp điển hình.

Sự kỳ thị kéo dài

Thực hiện chủ trương giúp các em OVC hòa nhập cộng đồng, chính quyền địa phương huyện cùng Trung tâm Mai Hòa đưa các em đến độ tuổi đi học nhập học tại Trường tiểu học An Nhơn Đông. Tuy nhiên, người dân nơi đây lại phản ứng một cách dữ dội cho đến tận bây giờ.

Cô Bùi Thị Kim Chùng, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Củ Chi cho biết việc phản đối của phụ huynh bắt đầu từ năm 2009 khi trung tâm Mai Hòa đưa 15 em ra học ở Trường tiểu học An Nhơn Đông. Số em được đưa ra khá nhiều, đã tạo ra sự chú ý từ phụ huynh.

Hơn nữa, người dân nơi đây thường xuyên chứng kiến cảnh ra đi của những người sống trong Mai Hòa. Mọi người đã có dấu ấn không tốt về những trẻ sống tại trung tâm này. Cho nên, khi thấy các em ở trường, phụ huynh đã đồng loạt rút hồ sơ (từ 300 học sinh rút còn khoảng 30 em), gây sức ép cho nhà trường.

Tuy nhà trường cùng chính quyền địa phương mời nói chuyện, tuyên truyền nhưng số phụ huynh phản đối không giảm. Để đảm bảo việc học cho các em, Phòng giáo dục huyện đưa ra cách giải quyết, “biến” cơ sở Mai Hòa thành một phân hiệu của Trường tiểu học An Nhơn Đông, phân bổ giáo viên về dạy.

Thời gian đầu, Hiệu trưởng, Hiệu phó và thầy chuyên trách của trường tiểu học phụ trách dạy. Sau có thêm giáo viên của các trường tiểu học khác trong huyện được điều về đây dạy luân phiên hàng năm.

Cứ ngỡ rằng đây chỉ là một cách giải quyết tạm thời, để sau một thời gian làm công tác tuyên truyền cho cả phụ huynh và giáo viên trường, các em ở Trung tâm Mai Hòa có thể nhập trường như những học sinh bình thường.

Tuy nhiên, đã ba năm trôi qua, các em vẫn học tại đây với cảnh - không ngày khai giảng đầu năm, thiếu vắng tiếng trống trường, bạn bè cùng trang lứa chỉ có vài em…. Các em đều hiểu ở một chừng mực nào đó lý do mình phải học tại đây mà không phải trường nào khác. Để rồi các em mơ ước một ngày nào đó cũng được tới trường như các bạn….

Em Dương Minh Châu, 10 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, quê ở Kiên Giang, tâm sự: “Lúc ba còn sống, ngày nào ba cũng chở em đi học (học ở xã khác xa hơn, không ai biết em bị nhiễm HIV). Tuy trường ở xa, nhưng em có nhiều bạn chơi. Ba mất rồi, không ai chở đi học nữa, nên năm đầu tiên này em học ở đây. Học ở đây cũng vui nhưng em muốn được đi học ở trường hơn.”

Hiện nay, tại trung tâm Mai Hòa có 21 em trong độ tuổi đi học. Có ba em lớp 7, đang học tại một trường trung học trong nội thành thành phố và ba em lớp sáu, theo học tại một trường trung học tại huyện.

Theo Sơ Nguyễn Thị Bảo, đối với ba em học ở thành phố, vì các em học ở xa, ít người biết rõ các em. Do vậy, việc học và tâm lý của các em bình thường. Còn ba em học tại trường huyện, luôn phải đối mặt với sự kỳ thị của phụ huynh và cả của chính các em. Có em bị trầm cảm, giờ ra chơi chỉ ngồi một mình. Hỏi ra mới biết, phụ huynh trong lớp cấm con em họ tiếp xúc với em.

Đâu là cách giải quyết hiệu quả?

Là một phân hiệu của Trường tiểu học An Nhơn Đông, các em cũng có những quyền lợi về học bổng, hỗ trợ như những em ở trường chính, thậm chí được ưu tiên nhiều hơn. Nhưng, điều mà các em mong muốn là được tới trường, được mọi người đối xử bình thường, lại khá xa vời. Và đến bao giờ trong xã hội mới chấm dứt sự kỳ thị phân biệt đối xử với những em có số phận không may mắn như các em ở Trung tâm Mai Hòa.

Cô Bùi Thị Kim Chùng cho biết thêm huyện Củ Chi có hơn 150 em bị nhiễm HIV đang học tại các trường tiểu học, trung học và học nghề. Các trường hợp bị phản đối học chung rơi vào các em tiểu học, do phụ huynh lo ngại con mình còn nhỏ không biết cách tự bảo vệ. Việc huyện đưa ra phương án mở điểm học lẻ, nhằm, vừa xoa dịu dư luận, vừa tiến hành một năm đưa vài em ra trường học chứ không đưa ra ồ ạt như trước đây. Tạo sự thích nghi dần dần cho phụ huynh.

Bà Nguyễn Thị Quý, chuyên viên thuộc Ủy ban phòng chống AIDS nhận định, nhiều trường ở các địa phương khác trong thành phố cũng vấp phải những sự phản đối như trên. Mỗi một nơi đều có cách giải quyết riêng, có nơi kiên quyết với phụ huynh, có nơi lại chọn giải pháp ôn hòa hơn. Dù có cách giải quyết như thế nào cũng phải đặt quyền lợi của trẻ OVC lên hàng đầu. Và không nhất thiết phải nói rõ tình trạng của em bị nhiễm HIV cho số đông biết.

Chủ trương giúp các em OVC hòa nhập cộng đồng, thực sự được hưởng những quyền cơ bản của trẻ em, đòi hỏi những cách làm hiệu quả hơn nữa. Và đây không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành giáo dục mà cần sự đồng tình, hưởng ứng từ mọi ngành đến mỗi người dân./.

Lan Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục