Thâm hụt thương mại Nhật Bản tăng tới mức kỷ lục

ộ Tài chính Nhật Bản cho biết trong tháng 4, thâm hụt thương mại hàng hóa của nền kinh tế này đã tăng tới mức kỷ lục 8,6 tỷ USD.
Ngày 22/5, Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết trong tháng 4, thâm hụt thương mại hàng hóa của nền kinh tế này đã tăng tới mức kỷ lục 879,9 tỷ yen (khoảng 8,6 tỷ USD), đánh dấu tháng thứ 10 liên tiếp ở mức báo động đỏ và đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1979, cán cân thương mại của Nhật Bản thâm hụt 10 tháng liên tiếp.

Cụ thể về tình hình thương mại của Nhật Bản trong tháng qua, kim ngạch nhập khẩu đã tăng tháng thứ 6 liên tiếp, lên tới 6.657,3 tỷ yen (69,34 tỷ USD). Đây là mức tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch nhập khẩu khí hóa lỏng tăng tới 17,9%.

Mặt khác, trong bối cảnh đồng yên mất giá và có thêm những hi vọng về phục hồi kinh tế toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng 3,8% lên tới 5.777,4 tỷ yen (khoảng 60,17 tỷ USD).

Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc đã tăng lần đầu tiên trong vòng 3 tháng đến gần mức 1.000 tỷ yen sau khi những căng thẳng xung quanh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đang tạm lắng. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc của Nhật Bản lại tăng tới 13,3% lên hơn 1.440 tỷ yen, cao nhất từ trước tới nay.

Kim ngạch xuất khẩu từ Nhật Bản sang các nước Liên minh châu Âu tiếp tục đi xuống trong tháng thứ 19 liên tiếp, chỉ còn 562,4 tỷ yen trong tháng 4, trong khi đó kim ngạch nhập khẩu tăng vọt 15,2% lên tới 600,9 tỷ yen. Kim ngạch xuất khẩu từ Nhật Bản sang Mỹ tăng 14,8% lên hơn 1.000 tỷ yen, đồng thời lần đầu tiên trong vòng 2 tháng kim ngạch nhập khẩu với thị trường quan trọng này cũng tăng nhẹ 0,8% lên gần 540 tỷ yen.

Tháng 4 vừa qua chứng kiến tỷ giá trung bình của đồng yen là 96,01 yen tương đương 1 USD so với cùng kỳ năm ngoái là 82,31 yen tương đương 1 USD. Tình trạng đồng yen mất giá phần nào hỗ trợ các nhà xuất khẩu Nhật Bản song đồng thời cũng làm gia tăng giá trị nhập khẩu. Chi phí nhập khẩu cao dẫn tới giá thành linh kiện, nguyên vật liệu gia tăng và đang đẩy giá bán lẻ nhiều mặt hàng từ thực phẩm đến máy tính xách tay lên cao./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục