Cần chú trọng công tác giảm nghèo ở khu vực thành thị

Cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, số lao động ở khu vực thành thị ngày càng tăng cao, song nhiều chính sách giảm nghèo không tới được các đối tượng này.

“Mục tiêu giảm nghèo ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất lớn, tăng trưởng kinh tế nhanh đồng thời giảm nghèo nhanh. Nhưng về lâu dài, chúng ta phải quan tâm giảm nghèo ở khu vực thành thị, một vấn đề đang nổi lên ở các nước đang phát triển. Có như vậy, chương trình giảm nghèo mới bền vững.”

Đó là ý kiến của bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tại Hội thảo “Vấn đề nghèo khu vực đô thị” và Lấy ý kiến dự thảo đề cương báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012,” do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 7/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia đã giảm nhanh, trong đó ở một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ rất thấp như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương (0%), Đồng Nai (0,66%), Bà Rịa-Vũng Tàu (0,95%), Đà Nẵng (0,83%)…

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ hộ nghèo khu vực thành thị năm 2010 là 6,9%; đến năm 2012 giảm xuống còn 4,3%.

Ông Ngô Trường Thi, Chánh văn phòng Quốc gia giảm nghèo (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết tình trạng nghèo diễn ra ở cả nông thôn và thành thị. Việt Nam đã và đang thực hiện các chính sách giảm nghèo, nhưng một số chính sách không tới được đối tượng người nghèo ở thành thị như hỗ trợ nhà ở, đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật sản xuất…

Ngoài ra, một số đối tượng hết sức khó khăn, nhưng không phải đối tượng nghèo theo chuẩn quốc gia nên khó tiếp cận các chính sách y tế, giáo dục, vay vốn tín dụng. Do đó, vấn đề nghèo tại đô thị cần được quan tâm đúng mức trong tiến trình giảm nghèo chung của cả nước.

Dự kiến, đến năm 2020, dân số Việt Nam sẽ đạt 95 triệu người, trong đó lao động nông nghiệp giảm còn khoảng 30-35%.

Theo bà Trương Thị Mai, với tỷ lệ trên, số lao động ở khu vực thành thị sẽ tăng cao, kéo theo nhiều vấn đề khác.

Nhóm nghèo đô thị sẽ chịu tác động rất lớn trong quá trình phát triển của đất nước, do đó đây là những đôi tượng cần phải quan tâm hơn nữa trong thời gian tới. Đơn cử như lao động từ nông thôn ra thành thị, không có hộ khẩu ở đô thị, rất dễ bị “tổn thương” vì khó tiếp cận được đầy đủ các chính sách của nhà nước.

Qua giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, chính sách giảm nghèo của Việt Nam trong giai đoạn 2005-2012 đã đạt được kết quả lớn, chuyển từ nghèo trên diện rộng sang nghèo cục bộ, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi, hạ tầng cơ sở… Tuy nhiên, thành tựu giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo còn cao./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục