Thị trường dầu mỏ trên thế giới lại tiếp tục đổ dốc

Xu hướng xuyên suốt thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua là sự đi xuống của giá "vàng đen," với giá dầu giảm ngay từ đầu tuần 15/4.
Xu hướng xuyên suốt thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua là sự đi xuống của giá "vàng đen." Giá dầu đã giảm ngay từ phiên đầu tuần 15/4 sau những thông tin kinh tế kém lạc quan từ Mỹ và Trung Quốc - hai nhà tiêu thụ dầu thô và năng lượng lớn nhất trên thế giới.

Theo số liệu chính thức của Chính phủ Trung Quốc (công bố ngày đầu tuần), tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý đầu tiên của năm nay chỉ đạt 7,7% - dưới mức dự kiến là 8% và thấp hơn mức 7,9% của quý 4/2012 trước đó. Con số này đã thực sự gây sốc cho thị trường và tác động tiêu cực đến giá dầu.

Giá dầu tiếp tục đi xuống trong các phiên giao dịch tiếp theo, đặc biệt là trong phiên 16/4 vừa qua, khi thị trường chưa kịp "tiêu thụ" hết tin buồn từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, lại bị "bồi" tiếp bởi các số liệu kinh tế yếu kém mới của Mỹ cũng như bức tranh kinh tế ảm đạm của châu Âu (hoạt động của ngành chế tạo bang New York và chỉ số lòng tin của các công ty xây dựng Mỹ đã bất ngờ sụt giảm trong tháng Tư này).

Bên cạnh đó, sự "tụt dốc không phanh" của giá vàng cũng là nhân tố ép giá dầu giảm mạnh trong các phiên này. Các nhà giao dịch đã trở nên hết sức hoang mang và thận trọng trong mọi quyết định đầu tư, bởi trước đó, một loạt các tổ chức năng lượng lớn như Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Cơ quan thông tin năng lượng thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, đều hạ dự báo về triển vọng tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu trong năm nay.

Trong các phiên này, thị trường dầu mỏ nhìn chung diễn biến rất ảm đạm. Nhân tố hỗ trợ duy nhất cho giá dầu trong phiên 17/4 vừa qua là việc đồng USD suy giảm, khiến mặt hàng dầu mỏ - vốn được định giá bằng đồng ngoại tệ này, trở nên hấp dẫn hơn.

Ngoài ra, báo cáo của Chính phủ Mỹ công bố cùng ngày cho hay hoạt động sản xuất công nghiệp đã tăng 5% trong quý 1 năm nay - mức tăng mạnh nhất trong vòng 1 năm qua, đã giúp giá dầu đảo chiều hồi phục. Tuy nhiên, sự gượng dậy này ngay sau đó đã bị "đánh gục" bởi thông tin cho biết kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 12/4 vừa qua đã bất ngờ tăng, báo hiệu nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trên đà suy yếu.

Mối lo về nhu cầu tiếp tục ám ảnh thị trường năng lượng cho tới hai phiên cuối tuần, sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) điều chỉnh hạ dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2013 và 2014.

Trong phiên 18/4 vừa qua, giá dầu Brent giao tháng Sáu tới đây đã có lúc trượt xuống mức thấp nhất 9 tháng qua, chỉ còn 96,75 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ ngày 2/7/2012. Tính tới phiên này, dầu Brent đã mất giá tới 8% trong 6 phiên liên tiếp, ghi dấu đợt rớt giá kéo dài nhất kể từ tháng 10/2012.

Các chuyên gia phân tích của Bank of America Merrill Lynch dự báo, kinh tế thế giới giảm tốc có thể còn đẩy giá dầu Brent xuống dưới mốc 95 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ cũng giảm xuống mức thấp nhất của nhiều tháng khi đã có thời điểm tụt xuống còn 85,61 USD/thùng.

Tuy nhiên, bước sang phiên cuối tuần 19/4, giá dầu đã đảo chiều hồi phục trước những đồn đoán rằng (OPEC có thể sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để bàn về kế hoạch cắt giảm sản lượng nếu giá dầu vẫn tiếp tục giảm và dầu Brent vẫn nằm dưới mốc giá 100 USD/thùng.

Vào đầu tháng này, OPEC đã đưa ra dự báo giữ nguyên nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu trong các năm 2013 và 2014, trong đó Trung Quốc đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng về nhu cầu dầu trong khi nhu cầu tại các nước phát triển lại sụt giảm. Iran - nhà sản xuất dầu lớn thứ tư OPEC - ngày 17/4 tuyên bố giá dầu ở mức 100-120 USD/thùng là "hợp lý."

Chốt phiên cuối tuần 19/4 trên sàn giao dịch New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng Năm tới tăng 28 xu lên 88,01 USD/thùng, nhưng vẫn thấp hơn mức đóng cửa 91,19 USD/thùng của cuối tuần trước nữa.

Còn tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Sáu tới có tăng 52 xu lên 99,65 USD/thùng, song vẫn dưới mức 102,12 USD/thùng chốt tuần trước nữa./.

Thùy Chi (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục