Dư luận lên án về tình hình bạo lực đẫm máu ở Ai Cập

Mỹ, Pháp và Nga đều lên án mạnh mẽ các hành vi bạo lực nhằm vào người biểu tình ở Ai Cập và phản đối việc áp đặt tình trạng khẩn cấp.
Trong bối cảnh bạo lực đẫm máu bùng phát tại Ai Cập, với gần 300 người thiệt mạng và hơn 2.000 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và những người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi, dư luận quốc tế đã bày tỏ quan ngại sâu sắc và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế.

Nhà Trắng ngày 14/8 tuyên bố Mỹ “lên án mạnh mẽ” các hành vi bạo lực nhằm vào người biểu tình ở Ai Cập và phản đối việc áp đặt tình trạng khẩn cấp.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bất ngờ xuất hiện trong cuộc họp báo thường lệ của Bộ Ngoại giao Mỹ, kêu gọi tất cả các phe phái tại Ai Cập kiềm chế và phải có trách nhiệm ngăn chặn bạo lực bùng phát mạnh hơn nữa.

Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi chính phủ lâm thời của Ai Cập tiếp tục theo đuổi kế hoạch sửa đổi Hiến pháp và tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống.

[Bạo lực đẫm máu tại Ai Cập, phó tổng thống từ chức]

Nhằm gia tăng sức ép với quân đội Ai Cập, giới chức Mỹ cho biết có thể hủy cuộc tập trận "Ngôi sao sáng," được tổ chức hai năm một lần kể từ năm 1981 sau khi Ai Cập và Israel ký Hiệp ước hòa bình Trại David.

Theo giới quan sát, quyết định này sẽ là tín hiệu mạnh mẽ nhất mà Washington gửi tới Cairo kể từ sau quyết định hôm 24/7 ngừng chuyển giao bốn máy bay chiến đấu F-16 cho quốc gia Bắc Phi này.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng lên án “bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất” đối với hành động bạo lực nhằm giải tán người biểu tình tại Ai Cập.

Cũng trong ngày 14/8, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius lên án tình trạng bạo lực đẫm máu ở Ai Cập và kêu gọi ngừng ngay lập tức hành động trấn áp, đồng thời hối thúc Liên hợp quốc và các đối tác của Pháp đưa ra một lập trường chung.

Đồng quan điểm với Pháp, Bộ Ngoại giao Nga ngày 14/8 ra tuyên bố yêu cầu tất cả các lực lượng chính trị ở Ai Cập kiềm chế.

Bộ Ngoại giao Nga khẳng định đổi mới chính trị và cải cách sâu rộng vì lợi ích của toàn thể người dân Ai Cập chỉ có thể được bảo vệ thông qua đối thoại rộng rãi và tiếp tục con đường chính trị dựa trên sự hòa hợp dân tộc.

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Nga quyết định đóng cửa khu vực lãnh sự của nước này ở Cairo do lo ngại "sự leo thang tới mức nguy hiểm của khủng hoảng chính trị tại địa bàn."

Ecuador ngày 14/8 đã triệu đại sứ tại Ai Cập về nước để tham vấn. Bộ Ngoại giao Ecuador cũng ra thông báo vắn tắt nhấn mạnh: “Sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Morsi hồi tháng Bảy vừa qua, xã hội Ai Cập bị bao phủ trong bầu không khí biểu tình của quần chúng và hành động trấn áp của chính phủ”./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục