"Chất lượng đường sẽ tốt hơn khi có Quỹ bảo trì"

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ cam kết chất lượng đường sẽ được cải thiện khi Quỹ bảo trì hoạt động.                                                                                                                                          
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã trình dự thảo Đề án quỹ bảo trì đường bộ với 3 phương án thu Quỹ Bảo trì đường bộ (thay vì 2 phương án như trước đây) để Bộ Giao thông Vận tải xem xét và trình Chính phủ phê duyệt. Theo Dự thảo Đề án Quỹ bảo trì đường bộ vừa được Tổng cục Đường bộ đưa ra, dư luận đang đặt câu hỏi về tình trạng “phí chồng phí” khi ô tô xe phải chịu khoảng 4 loại phí khi lưu thông trên đường. Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Đường bộ (Bộ Giao thông vận tải) xung quanh vấn đề này. - Tổng cục Đường bộ xây dựng đề án Quỹ bảo trì đường bộ. Vậy đầu là cơ sở để xây dựng quỹ đó?
Ông Nguyễn Văn Quyền:
Hiện chúng ta có khoảng hơn 256.000km đường bộ, trong đó có 17.000 km quốc lộ và hơn 4.000 cầu.
Trong khi đó, ngân sách nhà nước cấp cho sửa chữa bảo trì đường bộ đạt rất thấp, chỉ đạt khoảng 60% nhu cầu. Ở các tuyến địa phương thậm chí chỉ đạt chưa đến 20%. Theo báo cáo của 58 Sở Giao thông vận tải trên cả nước, các địa phương này chỉ cấp được 800 tỷ đồng trên tổng số 5.500 tỷ đồng. Chính vì vậy, đường của chúng ta xuống cấp rất nhanh. Thế giới đã tính toán, nếu tiết kiệm 1 đồng cho bảo trì sẽ tốn thêm 4 đồng cho xây dựng mới. Nếu chỉ đầu tư xây dựng mà không bảo trì thiệt hại sẽ vô cùng lớn. Các nước tiên tiến trên thế giới đều áp dụng hình thức này.
- Nếu phương án này được thông qua thì các trạm thu phí hiện nay sẽ được xóa bỏ?
Ông Nguyễn Văn Quyền: Tổng Cục Đường bộ đề xuất là xóa bỏ các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước. Hiện, cả nước còn 19 trạm, nếu đề xuất được thông qua, chúng tôi sẽ xóa bỏ trước khi thực thi việc thu phí. Còn 30 trạm thu phí BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) thì không xóa, vì đây là chủ trương nhất quán của Chính phủ để kêu gọi đầu tư vào hạ tầng giao thông. Họ đã bỏ vốn xây dựng đường thì phải để họ thu phí để hoàn vốn, bảo trì và thu phần lợi nhuận. - Hiện có rất nhiều trạm thu phí BOT nằm ở vị trí bất hợp lý trên Quốc lộ khiến phương tiện dù không đi qua đường này vẫn phải nộp phí. Các trạm này sẽ xử lý như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Quyền: Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ thì hiện có 13 trạm như thế này. Đây là vấn đề gai góc, cần quá trình sắp xếp, sẽ rất khó làm ngay. Tất nhiên Chính phủ sẽ tìm phương án xử lý, điều chỉnh lại cho hợp lý. - Việc hoàn phí cho các đối tượng sử dụng xăng dầu nhưng không lưu thông trên đường sẽ được thực hiện ra sao?Ông Nguyễn Văn Quyền: Theo đề án hiện nay là không hoàn phí này. Như vậy các đối tượng như tàu thuyền, máy móc nông nghiệp, tàu hỏa... sẽ chịu thiệt. Các đối tượng trên chủ yếu dùng dầu, nên chúng tôi đã để mức trích quỹ thấp, chỉ 330 đồng/lít dầu, bằng 1,5% giá dầu. Chúng tôi cũng đã tính toán, dù họ sẽ phải đội thêm chi phí của 1,5% giá dầu này, nhưng cũng được hưởng lợi gián tiếp từ việc chất lượng đường tốt, thông thoáng, lưu thông thuận lợi... Chúng tôi cũng đã để mức thu phí trên xăng cao, 1000 đồng/lít vì các phương tiện lưu thông trên đường như xe con, tải nhẹ, xe máy... đều dùng xăng. Một số phương tiện có một chút thiệt thòi nhưng phải vì lợi ích chung, cũng rất khó để có phương án công bằng cho tất cả các đối tượng. 
- Hiện dư luận trái chiều không đồng tình với “phí chồng phí” trong đề xuất của Tổng cục, khi ôtô sẽ phải chịu nhiều loại phí. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề trên?
Ông Nguyễn Văn Quyền: Nếu phương án được thông qua, xe ôtô sẽ phải chịu 3 loại phí: Phí thu trên đầu phương tiện, phí thu qua xăng dầu và phí qua trạm thu phí BOT (nếu xe đi trên những đoạn đường này). Còn phí xăng dầu đang thu hiện nay (1.000 đồng/lít xăng, 500 đồng/lít dầu) thì nộp ngân sách nhà nước, không liên quan đến đề án này. Quan điểm của chúng tôi là bao nhiêu loại phí không quan trọng bằng tổng số phí phải nộp. Chúng tôi chọn phương án thu phí bằng nhiều cách này là nhằm cố gắng đảm bảo sự hợp lý và công bằng tương đối với đối tượng nộp, giảm thất thu và chi phí thực hiện thấp. Nếu như chỉ áp dụng thu trên đầu phương tiện, thì phương thức thu sẽ rất phức tạp và dễ thất thu với đối tượng là 32 triệu xe máy hiện đang lưu thông. Còn nếu chỉ thu thông qua xăng dầu, thì phương án hoàn phí cho những đối tượng sử dụng xăng dầu nhưng không lưu thông trên đường bộ là rất khó khăn. - Việc thu phí này liệu có làm tăng thêm giá cước vận tải?Ông Nguyễn Văn Quyền: Giá vận tải bị tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó đúng là có giá xăng, nhưng cũng phụ thuộc vào tốc độ trên đường. Nếu đường thuận lợi sẽ tiết kiệm được nhiên liệu và các chi phí trên đường.
- Tổng cục có cam kết chất lượng đường sẽ tốt lên không khi có Quỹ bảo trì đường bộ?

Ông Nguyễn Văn Quyền:
Trong trách nhiệm của mình về bảo trì đường bộ, sẽ đảm bảo đường tốt, không có ổ voi, ổ gà; độ bền và tuổi thọ khai thác hợp lý; biển báo đầy đủ, rõ ràng. Tổng cục Đường bộ chịu trách nhiệm trước Chính phủ và nhân dân nếu để xảy ra tai nạn do đường xuống cấp.
Chúng tôi cam kết chất lượng đường sá sẽ được cải thiện khi Quỹ này đi vào hoạt động.
- Xin cảm ơn ông./.
Với phương án này, xe máy sẽ áp dụng hình thức thu qua xăng dầu ở mức 1000 đồng/lít. Như vậy tùy theo mức tiêu thụ của phương tiện mà phí phải nộp sẽ khác nhau.

Con số mà Tổng Cục Đường bộ dự tính trung bình là khoảng 80.000 đồng/xe/năm. Đối với ô tô, ngoài thu phí qua xăng dầu, còn phải đóng phí thu trực tiếp trên đầu xe. Sơ bộ xe con có thể phải chịu khoảng 2,2 triệu đồng phí/năm.

Cụ thể: Xe con, xe tải dưới 2 tấn, xe du lịch dưới 12 chỗ ngồi: 180.000 đồng/tháng; Xe tải 2 - 4 tấn, xe du lịch 12 - 30 chỗ ngồi: 270.000 đồng/tháng; Xe tải 4 - 10 tấn, xe du lịch từ 31 chỗ ngồi trở lên, đầu kéo sơ mi rơ moóc chở container 20 – 40 feet: 296.000 đồng/tháng; Sơ mi rơ moóc chở container 20 feet: 324.000 đồng/tháng; Sơ mi rơ moóc chở container 40 feet: 1.044.000 đồng/tháng; Xe chở hàng 10 – 18 tấn, chở hàng bằng container 20 feet: 720.000 đồng/tháng; Xe tải chở hàng trên 18 tấn, chở hàng bằng container 40 feet: 1.440.000 đồng/tháng.

Dự kiến các Trung tâm đăng kiểm phương tiện sẽ thực hiện việc thu phí. Phương tiện có thể đến mua vé thu phí theo tháng/quý/năm. Việc kiểm tra sẽ được thực hiện vào các kỳ kiểm định phương tiện.
 
Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục