Giá đồng lên mức cao kỷ lục mới trong 26 tháng

Đóng cửa phiên 6/10 tại thị trường New York, giá đồng kỳ hạn đứng ở mức cao kỷ lục của 26 tháng qua khi dao động từ 3,723-3,7895 USD/lb.
Đóng cửa phiên 6/10 tại thị trường New York, giá đồng kỳ hạn đứng ở mức cao kỷ lục mới của 26 tháng qua.

Đây cũng là phiên thứ hai liên tiếp giá đồng lập kỷ lục cao, trong bối cảnh nhà đầu tư tiếp tục dốc túi vào thị trường kim loại do lo ngại Mỹ sẽ áp dụng thêm các biện pháp nới lỏng định lượng và nguy cơ lạm phát.

Cụ thể, trên Sàn giao dịch kim loại New York (COMEX), giá đồng giao tháng 12/2010 tăng 2,65 xu lên 3,753 USD/lb (1 lb = 0,454kg). Đây là mức đóng cửa cao nhất đối với hợp đồng kỳ hạn này kể từ phiên 14/7/08.

Trong phiên 6/10, giá đồng dao động từ 3,723-3,7895 USD/lb.

Cũng trong phiên 6/10, tại Sở giao dịch kim loại London (LME), giá đồng giao sau ba tháng tăng 84 USD lên 8.259 USD/tấn. Trong phiên này, đã có lúc giá đồng leo lên 8.326 USD/tấn - mức cao nhất kể từ giữa tháng 7/08.

Giới phân tích nhận định, xu hướng yếu đi của đồng USD giúp giá của các hàng hóa nói chung đều tăng.

Đồng USD đã rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua so với đồng yen và đứng ở mức đáy của tám tháng rưỡi trong rổ tiền tệ, do thị trường ngày càng thiên về dự đoán Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ.

Đặc biệt, lượng việc làm tại khu vực tư nhân của Mỹ trong tháng 9/2010 giảm ngoài tiên lượng cũng là nhân tố tác động tiêu cực tới nhà đầu tư.

Một quan chức cao cấp của KME Group (nhà sản xuất đồng và các sản phẩm hợp kim hàng đầu trên thị trường) dự báo nhu cầu đồng của châu Âu ước tăng 18-20% trong năm 2010 và tới năm 2012 sẽ quay về mức trước khi có khủng hoảng.

Ngày 6/10, lượng đồng dự trữ tại LME tăng 25 tấn lên 374.125 tấn, trong khi kho đồng tại COMEX ngày 5/10 giảm 300 tấn Mỹ (1 tấn Mỹ = 907,2 kg) xuống 83.887 tấn.

Trong một thông tin có liên quan, sáu cơ sở luyện đồng hàng đầu Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng trong nửa cuối của tài khóa 2010, do bị sức ép lớn vì nguồn cung quặng hạn chế, trong khi nhu cầu tại thị trường nội địa lại yếu.

Cụ thể, trong thời gian từ tháng 10/2010 đến tháng 3/2011, sản lượng của "bộ 6" trên sẽ giảm 5% so với sáu tháng trước đó và thấp hơn 4% so với một năm trước./.

Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục