Sản lượng xe hơi của Mỹ tháng 6 vừa qua giảm 2%

Sản lượng xe hơi của Mỹ tháng 6 vừa qua giảm 2% so với tháng trước, đánh dấu 3 tháng giảm liền do ảnh hưởng linh kiện từ Nhật.
Theo các số liệu công bố cuối tuần qua của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), sản lượng xe hơi của Mỹ trong tháng Sáu vừa qua đã giảm 2% so với tháng trước, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp do ảnh hưởng của tình trạng gián đoạn nguồn cung linh kiện từ Nhật Bản.

Các số liệu của FED cho thấy, do sản lượng ôtô suy giảm, sản lượng của toàn ngành công nghiệp ở Mỹ trong tháng Sáu năm nay không thay đổi đáng kể khi chỉ ghi nhận mức tăng 0,2%, so với mức tăng 0,1% trong tháng trước. Các nhà chế tạo ôtô ở Mỹ đã rơi vào cảnh khó khăn về nguồn cung linh kiện, do ảnh hưởng của trận động đất, sóng thần hôm 11/3 vừa qua ở vùng Đông Bắc Nhật Bản.

Đà tăng trưởng khởi sắc của các ngành khai khoáng và tiện ích đã bù đắp cho các nhà máy chế tạo xe hơi. Sản lượng công nghiệp của Mỹ đã tăng gần 11,5% kể từ khi suy thoái kinh tế kết thúc vào tháng 6/2009.

Tuy nhiên, ngành này vẫn giảm tới 7,6% từ mức đỉnh điểm đạt được vào tháng 9/2007. Vào đầu phiên sáng ngay sau khi FED công bố báo cáo, các chỉ số chứng khoán đã diễn biến trái chiều. Chỉ số công nghiệp Dow Jones trung bình giảm 15 điểm, chỉ số S&P 500 không thay đổi và chỉ số tổng hợp Nasdaq chỉ tăng nhẹ. Trong khi đó, một báo cáo riêng cho thấy hoạt động chế tạo tại khu vực New York vẫn trong tình trạng ảm đạm.

Nhà kinh tế Peter Newland, thuộc hãng Barclays Capital Research, cho rằng dù sao sự cải thiện không đáng kể của ngành công nghiệp chế tạo cho thấy, ngành này sẽ phục hồi trong quý 2 năm nay, sau giai đoạn "chững lại tạm thời" của lĩnh vực xe hơi, do tình trạng gián đoạn nguồn cung linh kiện ôtô từ Nhật Bản. Tuy nhiên, sự cố gián đoạn chuỗi cung linh kiện xe hơi đã tác động trực tiếp đến người tiêu dùng.

Theo Bộ Lao động Mỹ, người Mỹ đã phải chi nhiều hơn cho xe hơi, quần áo, tiền thuê phòng khách sạn trong tháng Sáu vừa qua. Chỉ số giá tiêu dùng chủ chốt, không bao gồm giá lương thực và năng lượng, đã tăng đáng kể.

Sản lượng của các nhà máy ở Mỹ trong quý 2 này chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ khi suy thoái kết thúc hai năm trước. Sự suy giảm sản lượng ôtô đã ảnh hưởng đến toàn ngành công nghiệp. Sản lượng xe hơi và linh kiện ôtô trong quý 2 năm nay giảm 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng ấn tượng 29,2% trong quý trước đó. Các nhà chế tạo trong lĩnh vực ôtô và điện tử của Mỹ phụ thuộc nhiều vào nguồn cung linh kiện từ Nhật Bản.

Phát biểu trước Quốc hội Mỹ trong tuần trước, Chủ tịch FED Ben Bernanke cho hay ông dự kiến sản lượng của các nhà máy sẽ phục hồi trở lại trong vài tháng tới, nhờ nguồn cung linh kiện được cải thiện hơn. Ngành chế tạo được xem là một trong những khu vực mạnh nhất của nền kinh tế Mỹ kể từ khi suy thoái kết thúc vào tháng 6/2009.

Các nhà máy của Mỹ đã hoạt động khởi sắc hơn, nhờ nhu cầu nội địa ngày một tăng và đà tăng trưởng mạnh trong hoạt động xuất khẩu. Đồng USD yếu hơn, nhân tố giúp hàng hóa của Mỹ cạnh tranh hơn ở thị trường nước ngoài, đã thúc đẩy nhu cầu tại các thị trường quốc tế. Hoạt động của các nhà máy trong tháng Sáu vừa qua đã được mở rộng ở mức độ nhanh hơn so với tháng trước.

Tuy nhiên, kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng quá yếu để có thể đưa tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 9,2% giảm xuống. Hầu hết các nhà kinh tế đều dự đoán nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ đạt mức tăng gần 2% trong nửa đầu năm nay. Kinh tế Mỹ cần phải đạt tốc độ tăng trưởng 5% trong năm cả năm nay để giảm 1 điểm phần trăm tỷ lệ thất nghiệp.

Theo giới kinh tế, nếu tăng trưởng chỉ đạt 3% sẽ không giúp cải thiện tình trạng thất nghiệp, cũng như không theo kịp được đà tăng trưởng dân số ở Mỹ./.

Nguyễn Trường (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục