Tái khẳng định vai trò trung tâm của Liên hợp quốc

Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay cùng Liên hợp quốc nỗ lực đạt được các mục tiêu lớn của thời đại.
Ngày 23/9, phát biểu khai mạc cuộc thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 65, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay cùng Liên hợp quốc nỗ lực đạt được các mục tiêu lớn của thời đại.

Các mục tiêu này tuy đã ở trong tầm tay nhưng chỉ có thể đạt được khi cộng đồng quốc tế cùng nhìn về phía trước, hợp tác và thống nhất sức mạnh nhân danh một cộng đồng các dân tộc vì những điều tốt đẹp hơn thông qua Liên hợp quốc để đảm bảo tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh thế giới cần theo đuổi lập trường thực tế nhưng có nguyên tắc để chống lại các thế lực chia rẽ. Đây đã là lúc biến những hứa hẹn thành thực tế từ xóa đói nghèo, chống biến đổi khí hậu đến loại trừ vũ khí hạt nhân và thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ.

Ông mô tả thế giới đang bị thử thách khi thực hiện các lý tưởng của mình trong bối cảnh vừa trải qua các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính, lương thực và ngày càng bị đa cực hóa về chính trị.

Ông Ban Ki-moon hoan nghênh kết quả Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về tiến trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) vừa kết thúc, trong đó các nhà lãnh đạo thế giới đã thỏa thuận quan hệ đối tác có trách nhiệm và cùng chịu trách nhiệm đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho hàng tỷ người thuộc thế hệ hiện nay.

Ông cho rằng biến đổi khí hậu, giải trừ vũ khí hạt nhân, không phổ biến hạt nhân, và bình đẳng giới là những vấn đề quan trọng nhất mà thế giới hiện phải đối mặt. Liên hợp quốc đang nỗ lực giải quyết các cuộc xung đột hoặc làm giảm căng thẳng ở nhiều nơi trên hành tinh như Somalia, Sudan, bán đảo Triều Tiên và Trung Đông, thúc đẩy các hoạt động nhân đạo cả trong những vấn đề dài hạn cũng như những vấn đề thảm họa lớn như động đất ở Haiiti, lũ lụt ở Pakistan…

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, Joseph Deiss, cảnh báo nguy cơ Liên hợp quốc bị lu mờ trước các tổ chức quốc tế khác như Nhóm G20 gồm các nước phát triển và đang phát triển hàng đầu thế giới nếu Liên hợp quốc không tiếp tục là tổ chức đông đảo thành viên rộng rãi, có kinh nghiệm và trên thực tế đại diện cho nhân dân thế giới và các lợi ích của họ.

Với 192 thành viên, Đại hội đồng Liên hợp quốc gần như là tổ chức toàn cầu và phản ánh đa dạng hiện trạng và lợi ích của thế giới. Liên hợp quốc là tổ chức hợp pháp duy nhất có thể đóng vai trò trung tâm.

Ông nhấn mạnh chủ đề của cuộc thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay tập trung khẳng định vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong quản trị toàn cầu. Để thực hiện được vai trò này, Liên hợp quốc cần phải mạnh hơn, cởi mở hơn và bao quát hơn.

Vấn đề quan trọng là cần cải tổ Liên hợp quốc thông qua tăng cường vai trò và quyền lực của Đại hội đồng Liên hợp quốc, cải tổ Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền và Ủy ban gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khẳng định các thách thức phức tạp nhất của thế giới chỉ có thể được giải quyết khi thiết lập được các quan hệ đối tác toàn cầu. Nghèo đói, xung đột, Trái Đất ấm lên, khủng hoảng kinh tế tài chính, di cư, khủng bố, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia và hàng loạt các vấn đề quốc tế khác có những hậu quả không thể xử lý đơn lẻ mà chỉ có thể được xử lý thông qua các chiến lược chung toàn cầu.

Nhân dịp này, các vị đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước trên thế giới đã tái khẳng định vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong các tiến trình đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển của hành tinh xanh.

Trong phát biểu của mình tại cuộc thảo luận, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ mạnh mẽ tiến trình hòa bình Trung Đông và khẳng định cộng đồng quốc tế phải đóng vai trò hỗ trợ mạnh mẽ các nhà lãnh đạo Israel và Palestine trong cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp mới được nối lại để sang năm tới, Liên hợp quốc có thể hoan nghênh thành viên mới nhất gia nhập Liên hợp quốc đó là Nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền và tồn tại hòa bình bên cạnh Israel.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo khẳng định Trung Quốc tiếp tục ủng hộ vững chắc vai trò lãnh đạo của Liên hợp quốc trong các vấn đề quốc tế. Trung Quốc luôn tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và thực hiện các nghĩa vụ theo các công ước quốc tế, tăng cường hợp tác với các nước đang phát triển, hỗ trợ tiếng nói lớn hơn của họ trong các vấn đề quốc tế.

Về phần mình, Tổng thống Thuỵ Sĩ, bà Doris Leuthard đã nêu bật vai trò trung tâm của Liên hợp quốc và trách nhiệm của các nước thành viên Liên hợp quốc trong việc đáp ứng các thách thức toàn cầu từ thúc đẩy phát triển đến chống biến đổi khí hậu.

Thế giới không được biến Liên hợp quốc thành “tượng đài lịch sử” mà phải biến nó thành một tổ chức năng động, một tổ chức duy nhất trên thế giới đại diện hợp pháp cho tất cả các nước và các dân tộc.

Liên hợp quốc cũng là tổ chức duy nhất trên thế giới có thể thu hẹp bất đồng và khôi phục cân bằng giữa các nước. Bà cũng nhấn mạnh mỗi nước thành viên Liên hợp quốc phải thực hiện trách nhiệm của mình và đặt lẽ phải lên trên lợi ích quốc gia.

Ngoại trưởng Brazil Celso Amorim khẳng định Liên hợp quốc phải ở trung tâm của chủ nghĩa đa phương khi thế giới giải quyết các cuộc khủng hoảng và phải ở trung tâm chính hoạch định chính sách trên chính trường quốc tế. Ông kêu gọi cải tổ và mở rộng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để tăng cường sự tham gia của các nước đang phát triển.

Phát biểu của nhiều nhà lãnh đạo các nước đang phát triển cũng nhấn mạnh trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau hiện nay, các nước cần hợp tác trong các lĩnh vực có thể hợp tác, tư vấn cho nhau khi cần thiết. Liên hợp quốc là nền tảng cho những quan hệ tương tác này và là diễn đàn không thể thiếu thúc đẩy hợp tác quốc tế khi thế giới phải đối mặt với những thách thức toàn cầu.

Các diễn giả cũng khẳng định vai trò không thể thay thế của Liên hợp quốc trong tiến trình không phổ biến hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân, trong cuộc chiến chống ma tuý, tội phạm xuyên quốc gia, trong tiến trình thúc đẩy thực hiện các MDG, ủng hộ các nước có xung đột trong tiến trình tìm kiếm, gìn giữ, kiến tạo hòa bình và phát triển sau xung đột./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục